ClockThứ Bảy, 09/12/2023 16:45

Nỗ lực "xóa" rác thải nhựa

TTH.VN - Ngày 9/12, Ban Quản lý Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (DA) cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện DA trong năm 2023, nhằm đề ra các giải pháp góp phần “xoá” rác thải nhựa (RTN) cho TP. Huế trong thời gian đến.

Hơn 45 tác phẩm ảnh được chọn trao giải cuộc thi vẽ tranh về rác thảiTP.Huế tiếp nhận gần 140 bộ thùng phân loại rác từ WWF-Việt NamKhó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa xây dựng nhà máy xử lý rác

Đại diện các sở, ban, ngành tham gia hội thảo vào ngày 9/12 

Đa dạng cách làm

Khởi động từ năm 2021, DA “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã và đang góp phần vào mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác nhựa vào năm 2024 của TP. Huế. Đặc biệt, năm 2023, DA đã thành lập mạng lưới đối tác công - tư hành động giảm thiểu RTN và thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan chính của khu vực tư nhân và công trong triển khai kế hoạch hành động Đô thị giảm nhựa.

Cụ thể, DA đã phối hợp với các sở, ban ngành, hội, đoàn cấp tỉnh và các trường học trên địa bàn đẩy mạnh việc tuyên truyền giảm RTN và khuyến khích người dân thực hành phân loại rác tại nguồn. 

DA phối hợp với TP. Huế triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên 36/36 phường, xã; đẩy mạnh vệ sinh môi trường, xóa bỏ các điểm nóng ô nhiễm và triển khai các mô hình gia tăng tỷ lệ tái chế rác hữu cơ.

Kết quả các hoạt động thu gom được 2.481 tấn rác thải, trong đó có hơn 287 tấn rác nhựa, 6.7 tấn rác nhựa được tái chế. DA còn tài trợ TP. Huế lắp đặt tổng cộng 295 bộ thùng lưu chứa rác nhằm hỗ trợ người dân tham gia phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu RTN thất thoát. Ngoài ra còn lắp đặt 88 camera giám sát tại 17 phường, xã trên địa bàn được kết nối đồng bộ hệ thống camera của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh, nhằm hạn chế tình trạng người dân xả rác, phân loại rác không đúng quy định. 

Một hoạt động luôn được chú trọng là DA đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Năm 2023 DA đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn diễn ra, như Cuộc thi sáng kiến giảm thiểu RTN Huế; đi bộ nhặt rác Hue Plogging 2023, các sự kiện Ngày hội tái chế, “Người dùng hiện đại, không ngại giảm nhựa”, “Hẹn ước hè xanh - Giảm nhựa sống lành” thu hút hàng ngàn người tham gia. Đến nay đã có gần 19.000 lượt học sinh và giáo viên tại TP. Huế được hưởng lợi từ hoạt động của DA thông qua các hoạt động rung chuông vàng vì môi trường, trại hè trải nghiệm, lồng ghép nội dung về môi trường vào các môn học chính khóa..

DA đã huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, các chuỗi cửa hàng bán lẻ thực hành các hoạt động giảm nhựa; phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai áp dụng các thực hành giảm nhựa tại đơn vị; đồng thời hỗ trợ 6 sáng kiến sáng tạo để biến ý tưởng thành mô hình, sản phẩm có thể áp dụng triển khai tại TP. Huế với mục tiêu thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu RTN, tăng tỷ lệ tái chế và sản xuất các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường.

 Hình thành đô thị giảm nhựa

Tại hôi thảo, nhiều ý kiến từ các sở, ban ngành chia sẻ, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và TP. Huế nói riêng đã tổ chức, tham gia nhiều hoạt động để bảo vệ môi trường, chống RTN, nổi bật là phong trào "Ngày Chủ nhật xanh - nói không với rác thải nhựa". Dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác thu gom RTN vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc do nhiều hộ dân chưa nhận thức và quan tâm đến phong trào chống RTN nên thành phố vẫn đang đối mặt với thách thức về môi trường, nhất là vấn đề phân loại rác tại nguồn và quản lý chất thải rắn.

Do đó, lãnh đạo nhiều đơn vị mong thời gian đến, DA tiếp tục hỗ trợ TP. Huế triển khai nhiều mô hình giảm nhựa ở các xã, phường; bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển; các điểm nóng bị ô nhiễm bởi RTN…thông qua các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan, các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương; tăng cường phối hợp gia tăng tỷ lệ tái chế RTN…

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế chia sẻ, với sự quan tâm hỗ trợ của DA,TP. Huế cam kết đến năm 2024 sẽ trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi, mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không RTN vào năm 2030, qua đó cũng góp phần quảng bá, giữ vững hình ảnh của Huế với các danh hiệu “Thành phố bền vững môi trường Asean"; "Thành phố Xanh quốc gia", đô thị Huế "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".

Đội ngũ ve chai TP. Huế đã trở thành "tuyên truyền viên" trong phân loại rác tại nguồn 

Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, đại diện WWF- Việt Nam tại Huế, DA đang thực hiện rất tốt và đơn vị sẽ cam kết hỗ trợ TP. Huế thực hiện bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện tham gia cho các bên liên quan, cung cấp các hướng dẫn triển khai và hỗ trợ mọi nguồn lực để giảm RTN. Trong năm 2024, DA sẽ hỗ trợ thêm nhiều phương tiện thu gom, xử lý rác; nghiên cứu giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phát hiện các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường thông qua giám sát camera; xây dựng các bản đồ số điểm nóng RTN và bản đồ số các điểm cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn "xanh"... Tất cả nhằm đạt được mục tiêu không còn RTN ngoài môi trường tự nhiên ở TP. Huế vào năm 2030.

Bài, ảnh: SONG MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 24/4, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo thành phố đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên
Return to top