ClockThứ Bảy, 04/02/2017 12:00

“Thăm ló ngó đồng”

TTH - Tranh thủ tiết trời đầu xuân nắng ấm, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh xuống đồng chăm sóc cây lúa, hoa màu...

Chăm sóc cây lúa đông xuân tại Quảng Điền

Thời tiết thuận lợi

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh đưa vào sản xuất khoảng 28 nghìn ha lúa và cơ bản đã gieo cấy xong trước Tết. Tại thị xã Hương Trà, chừng 2.000 ha lúa được đưa vào sản xuất. Đầu vụ, tiết trời không mấy thuận lợi, nhưng với sự nỗ lực của cán bộ kỹ thuật cùng bà con nông dân, nhiều diện tích lúa, hoa màu tại đây xuống giống kịp lịch thời vụ, phát triển tốt.

Ông Dương Xuân Thọ (thôn Hương Cần, phường Hương Toàn, thị xã Hương Trà) cho hay, đầu vụ, bà con vất vả đấu úng, huy động máy bơm trổ nước mới gieo cấy được. Ra Tết, thời tiết nắng ấm, cây lúa bén rễ, phát triển nhanh”.

Bà Hồ Thị Mai (HTX Đông Phú, xã Quảng An, huyện Quảng Điền) tỏ ra phấn khởi trước vụ lúa đông xuân khởi đầu khá suôn sẻ: “Dù năm nay công tác đấu úng có khó khăn nhưng thời tiết đầu vụ thuận lợi như hiện nay, cây lúa phát triển nhanh, đỡ chi phí phân tro, thuốc kích thích cây lúa phát triển do rét như những mùa vụ trước”.

Với bà con nông dân, đầu năm “thăm ló ngó đồng” cũng phải chọn một “ngày tốt” để ra “xông đồng” sau những ngày vui tết đón xuân. Ngày đầu năm ra đồng, trông nom cây lúa cũng là ngày “lấy hên” trong một năm khởi đầu cho sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù tiết trời thuận lợi, nhưng thời điểm cây lúa bắt đầu sinh trưởng mạnh như hiện nay cũng là lúc nhiều loại đối tượng sâu bệnh xuất hiện gây hại. Việc thăm đồng đầu năm nhằm chủ động các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh cho cây lúa, hoa màu. “Giai đoạn này thường xuất hiện một số sâu bệnh như đạo ôn, bệnh tuyến trùng rễ, chuột, sâu phá hoại. Do vậy, công tác thăm đồng được xem là yếu tố quan trọng. Từ ngày mồng 4 đến mồng 6 Tết, bà con nông dân đã đồng loạt ra đồng chăm sóc cây lúa, bón những loại phân phù hợp cho cây phát triển”, ông Lê Văn Thứ, Chủ nhiệm HTX Đông Phú khẳng định.

Triển vọng từ các giống lúa mới

Trong sản xuất nông nghiệp, tìm được giống mới, thích ứng với từng chân đất được xem là bước đi quan trọng. Thời gian qua, qua nhiều cuộc khảo nghiệm, hội nghị đầu bờ, nhiều địa phương đã đưa nhiều giống lúa mới, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng vào sản xuất, mang lại năng suất, sản lượng cao.

Ghi nhận tại huyện Quảng Điền, vụ đông xuân năm nay, ở các HTX như Sịa 2 (thị trấn Sịa), Mai Phước (xã Quảng Phước), đã đưa vào sản xuất trên 60 ha giống ML48. Hàng năm, hai HTX trên đưa vào sản xuất khoảng trên 500 ha lúa. Trong đó, có khoảng 160 ha nằm sát chân đầm phá, thường xuyên nhiễm chua phèn khiến việc sản xuất khó khăn. Từ vụ đông xuân năm nay, giống ML48 được đưa vào sản xuất với diện tích khá lớn, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất trên vùng diện tích đất chua phèn mà còn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân.

Theo Sở NN&PTNT, vụ Đông Xuân 2016 - 2017 toàn tỉnh gieo cấy khoảng 28,6 nghìn ha lúa. Thời điểm đầu vụ, sở yêu cầu các địa phương hướng dẫn biện pháp diệt chuột, ốc bươu vàng để hạn chế thiệt hại. Các hộ nông dân thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bất thường của cây lúa, các đối tượng sinh vật gây hại và có thông tin phản hồi về UBND xã, HTX, cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BTTV) tỉnh cho hay: “Từ sự thành công một số mô hình điểm đầu tiên thử nghiệm các giống lúa mới thích ứng với vùng đất chua phèn, vụ hè thu vừa qua, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Sở NN&PTNT, Chi cục TT&BTVT đã phối hợp với một số HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng mô hình: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất nhiễm phèn, mặn ven phá” tại một số HTX như Phú Thanh 2 (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang), Kế Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền) và HTX Sịa 2 (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền)”.

Theo Sở NN&PTNT, căn cứ quy luật diễn biến thời tiết thuỷ văn trên địa bàn tỉnh và nhận định thời tiết thuỷ văn vụ đông xuân 2016 - 2017 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhằm tạo điều kiện để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt và hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, sở đã có hướng dẫn các địa phương cơ cấu giống phù hợp, phấn đấu sử dụng trên 90% giống lúa xác nhận. Trong đó, ngoài nhóm dài ngày, trung ngày như NN4B, X21, Xi23 chiếm 20 -25%; vụ mùa năm nay tăng cường sử dụng các nhóm cây ngắn ngày và cực ngắn như giống Khang dân, HT1, TH5, HN6, DV108, BT7, XT27,  IRi352 chiếm 75 - 80% tổng diện tích gieo cấy.

“Để đảm bảo năng suất và sản lượng lúa, các địa phương cần bố trí hợp lý nhóm giống dài, trung, ngắn ngày trên cơ sở xem xét cụ thể điều kiện sản xuất từng địa phương. Khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất thử giống lúa LDA1(RG3.3) ở những vùng đất có khả năng thâm canh cao, giống lúa ML48 trên các vùng đất cát ven phá, nghèo dinh dưỡng để hạn chế đổ ngã và sinh vật gây hại; mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng BT7, HC4”, ông Cái Văn Thám khẳng định.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân
Tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, HTX tiêu biểu toàn quốc 2024

Tối 14/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024 nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2024).

Tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, HTX tiêu biểu toàn quốc 2024
Lần đầu Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và tư lệnh ngành nông nghiệp cùng đối thoại với nông dân

Với thông điệp “Cùng chia sẻ, cùng lắng nghe”, Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ IX năm 2024 đã nhận được hàng nghìn ý kiến, đề xuất, kiến nghị, chia sẻ liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nổi bật, có các vấn đề: tái thiết, phục hồi sản xuất sau cơn bão số 3; hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp đầu vào; chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Lần đầu Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và tư lệnh ngành nông nghiệp cùng đối thoại với nông dân
Nông dân hướng đến chuyển đổi số

Không những thành lập các chi, tổ hội nông dân (HND) nghề nghiệp, các cấp HND còn hỗ trợ hội viên, nông dân (HVND) hướng đến mô hình nông nghiệp chuyển đổi số.

Nông dân hướng đến chuyển đổi số
Return to top