ClockThứ Năm, 03/06/2021 14:00

An toàn để phát triển

TTH - Sau thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, huyện A Lưới tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch gắn với thúc đẩy kinh tế - xã hội những tháng cuối năm.

Hỗ trợ kiên cố hóa chốt kiểm soát y tế liên ngành tại A LướiBắt buộc đeo khẩu trang ở phiên chợ vùng cao

 Người dân A Lưới thu hoạch vụ đông xuân

Giữ “cửa ngõ” an toàn

Ngang qua những cánh đồng ở các thôn, bản của huyện A Lưới vào cuối tháng 5, gần như toàn bộ diện tích lúa đã được gặt xong. Vụ đông xuân ở A Lưới có gần 1.080 ha nhưng người dân ai nấy đều phấn khởi vì được mùa.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới hồ hởi: “Năng suất đạt khoảng 61,8 tạ/ha, được mùa nhất trong những năm gần đây. Hướng nông nghiệp hữu cơ đã có tín hiệu mừng, heo vừa xuất được 1 lứa và đang mở rộng dần quy mô. Đậu tương và ngô cũng cho thấy thích ứng với mô hình thí điểm nông nghiệp hữu cơ”.

Kết quả từ nông nghiệp là một trong những minh chứng từ việc thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế, không chỉ nông nghiệp, các lĩnh vực khác cũng đảm bảo được kế hoạch đặt ra; trong đó nhiều dự án thi công trên địa bàn như nâng cấp chợ A Lưới, các tuyến đường, hệ thống nước sinh hoạt tại xã Hồng Vân… cơ bản hoàn thành. Đến nay, các ban, ngành, đơn vị đã hỗ trợ hàng ngàn hộ dân về cây, con giống để phục hồi sản xuất, khắc phục hậu quả sau các đợt thiên tai năm 2020…

Ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết, trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy đã có chỉ thị để chỉ đạo cho cả hệ thống chính trị trên địa bàn, từ huyện đến cơ sở tham gia xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tổ chức các sự kiện trọng đại an toàn.

Để hoạt động sản xuất, làm ăn kinh tế của người dân không bị đình trệ, đặc biệt là khi địa bàn vẫn còn an toàn và có thể tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, huyện A Lưới chú trọng khóa chặt vòng ngoài, giữ các “cửa ngõ” an toàn, nhất là khu vực biên giới và nơi tiếp giáp với các địa phương. Huyện A Lưới siết chặt các “lá chắn thép” vùng biên với 36 tổ chốt của lực lượng biên phòng cùng 2 chốt kiểm soát y tế liên ngành. Ở vòng trong, các thôn, bản, xã, thị trấn vừa rà soát nắm chắc tình hình, vừa tuyên truyền, vận động người dân đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Nỗ lực đảm bảo các chỉ tiêu

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, với đặc trưng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, đời sống người dân đang còn khó khăn nên tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội luôn được ưu tiên. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải gắn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với phòng, chống dịch để vừa giữ an toàn địa bàn, vừa giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.

Ngay từ đầu năm, huyện A Lưới đặt ra nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%; phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo lộ trình... Dịch bệnh trở thành rào cản cho những mục tiêu, song theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, phải thực hiện nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm cũng như các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm đã được xác định và các công trình, dự án trong năm 2021…

Ông Lập cho biết, ngành chức năng của huyện đã chuẩn bị các điều kiện để hỗ trợ người dân bắt đầu gieo sạ, sản xuất vụ lúa hè thu. Năm nay, nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư, nhất là trạm bơm ở xã A Ngo, khả năng tình trạng thiếu nước vụ hè thu sẽ không quá căng thẳng như các năm. Một phần nhỏ diện tích thiếu nước (nằm rải rác ở các địa phương) được chuyển đổi cây trồng hợp lý. Từ tháng 6, các địa phương sẽ bắt đầu gieo trồng vụ hè thu. Ngành nông nghiệp cũng sẽ thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi; thu gom dự trữ rơm làm thức ăn cho trâu bò.

Huyện A Lưới tập trung chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân phát triển sản xuất dựa trên các cây, con chủ lực với nguồn cây, con giống vừa được hỗ trợ. Đồng thời điều tra lao động nghề nông thôn, kiểm tra biến động hộ nghèo 6 tháng đầu năm và theo dõi diễn biến hộ nghèo để có các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó sẽ triển khai kế hoạch thực hiện đề án thay đổi tập quán tiêu dùng trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thoát nghèo bền vững.

Theo lãnh đạo UBND huyện, trên kế hoạch đặt ra, huyện A Lưới sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch chi tiết đô thị A Lưới mở rộng. Đồng thời thường xuyên thực hiện kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện, đảm bảo tiến độ các công trình, dự án…

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top