Lực lượng kiểm lâm trồng rừng dương ở Phú Thuận
Từ sau trận lũ lịch sử 1999, bờ biển các xã Phú Thuận (Phú Vang), Hải Dương (TP. Huế), Giang Hải (Phú Lộc)… bắt đầu sạt lở nặng. Nhiều diện tích rừng dương liễu phòng hộ ven biển bị sóng cuốn trôi. Một số đoạn kè kiên cố tại các xã Phú Thuận, Giang Hải, Hải Dương, Quảng Công đã được xây dựng chống sạt lở bờ biển. Tuy nhiên, những năm gần đây lại xuất hiện các điểm sạt lở mới, ngày càng lấn sâu vào khu dân cư. Một số bờ biển chưa từng xảy ra sạt lở như tại xã Phong Hải (Phong Điền), nay cũng đã có hiện tượng xâm thực ngày càng lấn sâu vào đất liền.
Ngoài một số công trình chống sạt lở bờ biển đã và đang triển khai, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn ít nhất 7 điểm sạt lở nặng với chiều dài hơn 14km. Trong lúc nguồn vốn bố trí xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển còn khó khăn thì rừng phòng hộ ven biển lúc này có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ trên cát góp phần bảo vệ an toàn các công trình, khu dân cư, phục vụ phát triển du lịch biển nói riêng và kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung.
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Đặng Tiến Tùy thông tin, hằng năm, một số diện tích, cây dương liễu bị sóng cuốn trôi, bão làm gãy đổ được địa phương, lực lượng kiểm lâm, biên phòng khôi phục, trồng bổ sung kịp thời. Cách đây ít ngày, lực lượng kiểm lâm trồng 2.000 cây dương liễu dọc vùng ven biển Phú Thuận, Thuận An. Theo nghiên cứu, cây dương liễu có bộ rễ vững chắc, bám sâu vào đất, phù hợp với điều kiện vùng đất cát ven biển, có khả năng bảo vệ, hạn chế sạt lở bờ biển, chống chịu bão tốt so với nhiều loài cây khác.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Hữu Huy cho rằng, các địa phương, ban ngành khá yên tâm trước các hoạt động quản lý, phát triển rừng phòng hộ ven biển. Phần lớn các khu vực nuôi tôm trên cát không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ chống sạt lở bờ biển, chủ yếu là một số diện tích keo tràm sản xuất của các hộ, nhóm hộ được địa phương quy hoạch, thu hồi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Các hoạt động du lịch biển như Phong Hải, Vinh Thanh, Phú Diên, Hải Dương… không ảnh hưởng, thiệt hại đến rừng dương liễu.
Người dân nhận thức hơn vai trò, tầm quan trọng của rừng ven biển và tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, không để xảy ra tình trạng chặt phá.
5 năm trở lại đây, thông qua dự án phát triển rừng ven biển, đầm phá, trên địa bàn tỉnh đã trồng mới khoảng 500ha rừng trên cát ven biển, trồng 600 ngàn cây rừng phân tán tại các khu vực ven biển, đầm phá. Rừng phòng hộ ven biển còn bảo vệ an toàn các công trình, ao hồ nuôi trồng thủy sản, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tính riêng khoảng 500ha ao hồ nuôi tôm chân trắng ven biển toàn tỉnh, bình quân mỗi năm doanh thu trên dưới 2.000 tỷ đồng.
Theo ông Huy, hiện nay diện tích rừng trên cát ven biển toàn tỉnh trải dài từ Phong Điền đến Phú Lộc với gần 28,5 ngàn ha đã được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng quản lý hơn 12 ngàn ha, doanh nghiệp tư nhân hơn 317ha. Các hộ gia đình khoảng 5.265ha, còn lại chính quyền các địa phương và các cộng đồng, đoàn, hội, các đơn vị vũ trang quản lý.
Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh trồng mới 1.942,3ha rừng trên cát ven biển, đầm phá, từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương. Trong đó, trồng mới và trồng bổ sung 1.570ha rừng trên cát ven biển và 72,3ha rừng ngập nước ngọt… Đồng thời quản lý, bảo vệ tốt rừng phòng hộ ven biển nhằm phát huy tác dụng, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: H. TRIỀU