ClockThứ Bảy, 23/03/2024 12:34

Bệnh khảm lá sắn có nguy cơ lây lan diện rộng

TTH - Bệnh khảm lá sắn (KLS) nguy hiểm đang phát sinh trên diện rộng ngay từ đầu vụ khiến nông dân lo lắng.

Gần 200 ha sắn bị bệnh khảm láGiảm thiểu bệnh khảm lá sắnBệnh khảm lá sắn diễn biến phức tạp

Kiểm tra bệnh khảm lá sắn 

Hộ ông Nguyễn Nguyên ở xã Phong Hiền (Phong Điền) trồng hơn hai mẫu sắn. Trong khi cây sắn đang sinh trưởng thì bệnh khảm lá xuất hiện từ hơn một tuần nay. Nhiều cây bị khảm vàng loang lổ trên lá, nhiều cây bị nhiễm nặng làm cho xoăn, nhăn nhúm. Ông Nguyên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp kinh nghiệm truyền thống để phòng trị nhưng bệnh vẫn chưa giảm, thậm chí có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Niên vụ này, toàn xã Phong Hiền trồng gần 300ha sắn với các giống cao sản. Trước khi bắt đầu gieo trồng, địa phương tuyên truyền, yêu cầu người dân chuẩn bị tốt nguồn giống, không gieo những hom giống bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, bệnh khảm lá xuất hiện và gây hại nhiều diện tích sắn.

Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh thông tin, diện tích sắn toàn tỉnh đã gieo trồng đến nay khoảng 3.372ha. Qua điều tra, đến nay bệnh KLS đã phát sinh gây hại khoảng 209ha, tỷ lệ 1-3%, nơi cao 5-10%. Hầu hết diện tích bị nhiễm bệnh nguy hiểm này tập trung tại Tây Xuân, Văn Xá Tây (TX. Hương Trà), Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền (Phong Điền), Hợp tác xã Đông Sơn (Phú Lộc)...

Để phòng trị bệnh KLS hiệu quả, các địa phương và người dân cần hiểu rõ nguyên nhân cơ bản của loại bệnh này. Theo đó, bệnh KLS có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV). Bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng (Bemisiatabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Đây là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh KLS là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nhẹ thì không bị biến dạng, hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm và làm cho cây chết dần.

Ông Đính lý giải, có hai phương thức lây truyền bệnh KLS, đó là từ hom giống và bọ phấn trắng. Đối với hom giống, virus tồn tại trong thân, lá, củ sắn nên khi lấy thân sắn làm giống cho vụ sau thì virus sẽ tiếp tục nhân lên trong hom giống và làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm… làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm. Bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng.

Chi cục TT&BVTV tỉnh yêu cầu nông dân tuân thủ đúng các biện pháp theo quy định của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Theo đó, nông dân không được sử dụng hom đã bị nhiễm bệnh KLS để làm giống cho vụ sau. Các vùng bị bệnh trước khi trồng mới cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng tiêu hủy, sử dụng giống không nhiễm bệnh, nguồn gốc rõ ràng. Đối với biện pháp luân canh thì không nên trồng sắn, hoặc cây ký sinh của bọ phấn (thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt…) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.

Để phòng trừ môi giới truyền bệnh cần sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng. Những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh phải phun trừ bọ phấn bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Chess 50 WG, Chery 70WG, AC-Nipyram 50WP, Cheer 20WP...

Chi cục TT&BVTV đang tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến thông tin, tác hại của bệnh KLS, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm cây sắn nhiễm bệnh nặng không thể hồi phục để hướng dẫn nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy và kiểm tra bọ phấn trắng để phun thuốc phòng trừ.

Tuy nhiên về lâu dài, trong các vụ tiếp theo, Chi cục TT&BVTV cùng với các ban ngành nghiên cứu, triển khai các mô hình thử nghiệm các giống sắn kháng bệnh khảm lá. Các địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện chế độ luân canh sang một số cây trồng khác. Đối với những diện tích sắn bị nhiễm bệnh đang trồng trên các vùng đất thịt, đất sét pha cát… có thể nghiên cứu chuyển sang trồng các loại cây trồng như đậu đỗ các loại, vừng, khoai lang…

Đối với những diện tích sắn bị nhiễm bệnh đang trồng trên các vùng đất cát pha sét, đất cát hoặc đất khô cằn… có thể nghiên cứu chuyển sang trồng cây tràm lấy tinh dầu. Đây cũng là chủ trương lớn của tỉnh về kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất dầu tràm Huế đến năm 2025.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đang cảnh báo nguy cơ về một đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Trung và Nam Mỹ khi số ca nhiễm sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top