ClockThứ Bảy, 20/11/2021 14:15

Cần bền vững hơn là chạm đỉnh

TTH - Độ vênh cung cầu khiến giá thịt lợn biến động khôn lường. Và, sự biến động ấy khiến người chăn nuôi chẳng biết đường nào mà lần. Ngay cả khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận: “Bộ trưởng không phải là người quyết định tất cả mọi câu chuyện thị trường” thì giải pháp để tạo ra sự bền vững cần thời gian trả lời.

Tạo đà cho hướng chăn nuôi lợn bền vữngGiải bài toán chăn nuôi bền vữngBền vững cho chăn nuôi

Dù giá lợn hơi nhiều thời điểm chạm đáy nhưng thịt lợn thương phẩm vẫn ở mức cao

Một thực tế có thể khẳng định, sự lên xuống về giá đang tạo ra một điệp khúc hàng năm. Vòng luẩn quẩn ấy dường như chưa có lối thoát. Không phải bây giờ mà từ lâu lắm rồi sự bất hợp lý trong ngành chăn nuôi lợn xảy đến. Giá lợn hơi giảm sâu, nhưng giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn đứng yên, thậm chí tăng cao.

Như các sản phẩm nông nghiệp khác, lý giải của cơ quan chức năng về sự bất hợp lý đó là khi đến tay người tiêu dùng, thịt lợn phải trải qua nhiều khâu trung gian, và khi giá các chi phí ở khâu trung gian giữ nguyên hoặc tăng thì thịt lợn thành phẩm sẽ không giảm. Do vậy, tỷ trọng lợn hơi chỉ chiếm hơn một nửa trong giá thịt lợn thành phẩm.

Với độ vênh về giá này, đối tượng nào sẽ hưởng lợi? Câu hỏi đó chưa cần phải trả lời thì ai cũng biết đối tượng chịu thiệt ở đây là người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Những năm gần đây, dịch bệnh lẫn biến động của thị trường khiến ngành chăn nuôi xảy ra nhiều đợt khủng hoảng, nhất là chăn nuôi lợn. Có thời điểm, giá lợn hơi chạm đỉnh, Nhà nước phải bình ổn giá bằng cách thúc đẩy việc nhập khẩu thịt lợn. Song, khi mà giá chạm đáy, lợn của người chăn nuôi khó tiêu thụ thì việc nhập khẩu vẫn tiếp diễn, thậm chí trong hơn 9 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu hơn 257.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 62% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá lợn hơi đang có xu hướng tăng, song cách tăng của thị trường như kiểu xoa dịu lòng người chăn nuôi chứ không tạo ra sự bền vững, thậm chí có chạm đỉnh về giá đi chăng nữa thì sự lo lắng vẫn hiển hiện. Và với giá tăng như bây giờ người chăn nuôi còn… lỗ, đặc biệt chăn nuôi theo phương thức gia trại, nông hộ.

Tại Thừa Thiên Huế, chăn nuôi lợn chưa bao giờ tạo ra sự yên tâm, số liệu thống kê cho thấy, đàn lợn toàn tỉnh đang khoảng 148.255 con, tăng 29,7%. Tuy nhiên, con số ấy có phản ánh đúng thực chất? Loại trừ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn, con số ấy không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Nhiều khu vực quy hoạch chăn nuôi lợn, chuồng trại đang bỏ hoang, người dân không mặn mà tái đàn, điển hình vùng rú cát Quảng Vinh (Quảng Điền). Thực tế chỉ ra rằng, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu thiệt hại lớn.

Chỉ tính riêng chí phí thức ăn đang tăng phi mã, họ phải mua thức ăn công nghiệp qua các đại lý cấp 2, cấp 3, cao hơn so với đại lý cấp 1. Trong khi đó, hầu hết các trang trại lớn đều ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn nên ngoài việc hưởng mức giá sỉ ngang bằng với đại lý cấp 1, còn được thưởng phần trăm vào cuối năm, do đó ít bị ảnh hưởng.

Tương tự, những trang trại chăn nuôi lớn tự cung cấp được con giống thì còn có lãi, những hộ chăn nuôi không tự chủ động, phải mua con giống thì có lãi chút ít, nếu rủi ro hao hụt trong quá trình nuôi thì thua lỗ, và thị trường chạm đáy chỉ còn giải pháp… đóng cửa chuồng nuôi.

Trước khi thịt lợn thành phẩm đến tay người tiêu dùng, sự tính toán ban đầu của người chăn nuôi nằm ở giá trị đầu vào. Bên cạnh ảnh hưởng của COVID-19, trong quy trình chăn nuôi của Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Các giá trị ấy đang tăng thì hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải tận dụng, phụ phẩm sẵn có (như cám, chuối, rau, khoai, sắn,...) tại địa phương. Tuy nhiên, đối với các cơ sở chăn nuôi lợn trang trại quy mô nhỏ phải sử dụng phần lớn thức ăn công nghiệp thì ít tự chủ về thức ăn, mức độ khó khăn chồng chất.

Với cơ chế thị trường hiện nay, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng sẽ khó xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn cho thị trường. Nhưng mâu thuẫn nằm ở chỗ, lợn tại chuồng nuôi nội tỉnh ế và chạm đáy nhưng những chuyến xe nhập lợn từ các địa phương phía nam vẫn cứ đều đặn.

Hướng đến ngành chăn nuôi bền vững nghĩa là phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, trong đó nguồn con giống nhập về nuôi phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, sạch bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại thường xuyên nhằm hạn chế tối đa rủi ro hao hụt trong quá trình chăn nuôi.

Về trung hạn, cần nghiên cứu từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Những giải pháp ấy trên các văn bản được đề cập nhiều lần, nhưng sự bền vững trong thực tế đến nay vẫn chưa thấy rõ, cần những giải pháp hữu hiệu hơn.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

Là địa phương nằm ở vùng ven thành phố, số hộ nghèo trên địa bàn phường Hương Vinh (TP. Huế) khá đông. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), bằng nhiều cách làm và đa dạng các giải pháp giảm nghèo, đến cuối tháng 11/2024, toàn phường chỉ còn 10 hộ nghèo, vượt 400% so với chỉ tiêu thành phố giao.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, Quảng Điền đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp an sinh xã hội. Trong đó, việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mô hình giảm nghèo hiệu quả được ưu tiên triển khai đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền
Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung phù hợp với từng địa phương; phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học và bền vững là vấn đề đặt ra trong phát triển chăn nuôi ở giai đoạn mới.

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi
Return to top