Cao su được thương lái thu mua với mức giá từ 8-10 nghìn đồng/kg mủ đông
Lỗ công
Huyện Nam Đông được xem là “thủ phủ” của cây cao su với diện tích hơn 3.200ha, đạt năng suất 38,7 tạ mủ đông/ha. Loại cây trồng này mang lại thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều người dân. Những năm trở lại đây, giá mủ cao su bấp bênh. Khi giá mủ cao, người dân khai thác tùy tiện, thiếu đầu tư chăm sóc dẫn đến chất lượng giảm sút. Tại thời điểm này, giá mủ cao su xuống thấp.
Ông Hồ Bừa (thôn Phú Mậu, xã Hương Phú, huyện Nam Đông) trồng khoảng 3ha, đang trong thời kỳ lấy mủ nhưng với mức giá từ 8-10 nghìn đồng/kg mủ đông, ông Bừa đắn đo, không muốn khai thác. “Có lúc, mủ cao su đạt mức từ 16-17 nghìn đồng/kg, người dân rất phấn khởi. Nhưng lúc ni giá mủ còn chưa tới 10 nghìn đồng/kg nên không ai muốn thu hoạch. Với mức giá này, sau khi khai thác trừ chi phí, phân bón thì không có lãi, thậm chí lỗ ngày công. Tình trạng giá cả trồi trụt kéo dài từ năm 2015 đến nay”, ông Bừa nói.
Thu hoạch mủ cao su
Ở nhiều địa phương, giá mủ cao su đang trong tình trạng “chạm đáy”, nhất là đối với diện tích được trồng sâu ở những cánh rừng. Ông Nguyễn Kim Cường (thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, TX. Hương Trà) than thở: “Tui trồng hơn 1ha cao su. Đã vào vụ khai thác mủ gần 2 tháng nay nhưng giá mủ vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Trung bình mỗi người cạo khoảng 20 kg mủ/ngày. Với mức giá chưa đến 9 nghìn đồng, trừ chi phí xăng xe, ăn uống và công chăm sóc, thu nhập từ cao su không bằng công lao động thông thường. Đối với số diện tích nằm sâu trong rừng người trồng còn tiêu tốn chi phí vận chuyển”.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, giá mủ cao su xuống thấp là do tác động của thị trường, cung lớn hơn cầu. “Hiện nay, cao su của Việt Nam được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, do vậy người trồng bị thương lái ép giá. Trong khi đó, cao su chế biến thành các sản phẩm trong nước thì cung lớn hơn cầu. Huyện Nam Đông mỗi năm khai thác khoảng khoảng 7 ngàn tấn mủ đông. Thời điểm này, với những hộ gia đình khó khăn, họ sẽ chịu khó khai thác mủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, còn với những hộ khá giả họ sẽ không khai thác bởi trừ chi phí sẽ không có lãi là bao”, ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho hay.
Ông Lê Nhật Nam, Giám đốc Công ty TTHH thương mại Trường Sinh, đơn vị thu mua mủ cao su cho rằng: “Tại Thừa Thiên Huế, mỗi ngày chúng tôi thu mua khoảng hơn 5 tấn mủ đông cao su. Thông thường, 90% cao su thành phẩm được xuất sang thị trường Trung Quốc. Song, hiện thị trường này nhập rất ít nên những doanh nghiệp thu mua cao su gặp khó khăn về đầu ra. Điều này dẫn đến mủ cao su rớt giá”.
Cần ổn định vườn cây
Sở NN&PTNT cho biết, cao su được trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là tiểu điền, chưa được quy hoạch. Diện tích cao su trồng từ năm 1993-1997 theo dự án 327 trồng rừng phủ xanh đất trống núi trọc, chủ yếu trồng các giống RRIM 600, GT1 và PN235.
Từ năm 2001-2006, diện tích cao su được trồng mới theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp và nguồn giống được cung ứng từ Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam. Năm 1998, một số diện tích đưa vào khai thác mủ bước đầu có hiệu quả, thị trường đầu ra ổn định. Song hiện nay, việc phát triển loại cây trồng này vấp phải nhiều khó khăn nhất định như, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhiều vùng trồng chưa có đường giao thông, gây khó khăn trong việc vận chuyển, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến việc phát triển của cây cao su... Những năm trở lại đây, giá mủ cao su liên tục biến động khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Quý Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin: “Toàn tỉnh có khoảng 8.952 ha cao su, trong đó, diện tích đi vào khai thác khoảng 6.700ha, số còn lại là diện tích kiến thiết cơ bản. Những năm gần đây, vì giá cả bấp bênh nên người dân khai thác mủ cầm chừng và không trồng mới. Một số diện tích già cỗi được chuyển đổi sang trồng keo”.
Trước thực trạng giá cả đang xuống thấp, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần ổn định vườn cây, không nên chặt bỏ; tập trung chăm sóc và tìm hiểu thị trường. “Chúng tôi đã cử cán bộ đến để tuyên tuyền, vận động người dân bình tĩnh, nếu giá quá thấp thì nên ngưng khai thác; đồng thời, tập trung chăm sóc, cải tạo để làm sao đảm bảo chất lượng vườn cây”, ông Trần Công Thành chia sẻ.
Theo ông Lê Quý Thảo, cây cao su vẫn là nguồn thu chính của người dân ở nhiều địa phương, dù giá thấp nhưng người dân cần chăm sóc và giữ vững diện tích hiện có. “Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và khai thác cao su. Thời điểm này, các địa phương và cán bộ khuyến nông cần tăng cường vận động và có biện pháp để nông dân hiểu và thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, duy trì chế độ chăm sóc, bảo vệ vườn cây; nhất là trong giai đoạn giá cả cao su thấp. Sở NN&PTNT cũng đã kiến nghị ngành cao su Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng tiêu thụ trong nước để chủ dộng đối phó với mức giá cao su thấp, giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô”, ông Thảo nói.
Bài, ảnh: Lê Thọ