ClockThứ Sáu, 16/03/2018 05:15

Tạm dừng khai thác mủ cao su: Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân

TTH - Dù huyện Nam Đông có chủ trương, chỉ đạo người dân tạm dừng khai thác mủ cao su nhằm đảm bảo chất lượng vườn cây nhưng nhiều hộ vẫn không chấp hành.

Vận động người dân ngưng khai thác mủ cao suTheo chân người cạo mủ cao su

Thời tiết từ cuối năm trước kéo dài đến đầu năm nay diễn biến phức tạp, đồng thời cây cao su đang trong thời kỳ thay lá nên từ đầu tháng 3, lãnh đạo huyện Nam Đông yêu cầu các địa phương triển khai tuyên truyền, vận động người dân tạm dừng khai thác mủ; tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều hộ không chấp hành.

Chế biến mủ cao su cốm tại Nhà máy chế biến mủ cao su Nam Đông

Chị Hồ Thị Sân ở xã Thượng Lộ nói: “Trên đài truyền thanh của xã ngày mô cũng nghe nói tạm dừng khai thác mủ cao su. Nhưng cao su đã đến kỳ khai thác, mủ tương đối nhiều mà không cạo thì lãng phí. Hộ tui trồng hơn 1 ha, mỗi ngày khai thác vài chục kg mủ tươi”.

Hộ ông Hồ Văn Ao ở xã Thượng Nhật trồng 2 ha cao su đã cho khai thác mủ hai năm nay. Từ khi cao su của ông Ao đến kỳ khai thác mủ cũng là thời điểm sản phẩm rớt giá trầm trọng, do thị trường tiêu thụ Trung Quốc gần như “đóng băng”. Sản lượng mủ trong vài năm qua nhập sang thị trường Trung Quốc chỉ chừng 30-40% so với trước, giá mỗi kg giảm chỉ còn 80-100 ngàn đồng. Vì vậy khi mủ cao su tăng giá trở lại, ông Ao tranh thủ khai thác mủ để bán.

“Từ đầu năm đến nay, giá mủ cao su tăng trở lại, mỗi kg từ 13-14 ngàn đồng là tín hiệu đáng mừng đối với bà con trồng cao su. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác mủ ồ ạt, bất chấp “lệnh” tạm dừng khai thác mủ trong thời điểm cao su thay lá. Phần lớn các hộ đều biết rõ việc khai thác mủ vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây nhưng vẫn cố tình cạo để kiếm thu nhập”, ông Ao thừa nhận.

Ông Trần Đình Khởi, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật thông tin, toàn xã có khoảng 350 ha cao su đều đến thời kỳ khai thác mủ. Tuy nhiên, hầu hết diện tích vừa mới cho khai thác mủ chỉ một vài năm trở lại đây. Chất lượng vườn cây cao su chưa tốt lắm. Khi huyện có chủ trương, chỉ đạo tạm dừng khai thác mủ cao su, chính quyền địa phương đã triển khai tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc. Nhưng vì đời sống khó khăn, một phần nhận thức của bà con còn thấp nên đã không chấp hành, hằng ngày đều khai thác mủ để bán.

Ông Khởi cho rằng, việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tạm dừng khai thác mủ cao su là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhằm bảo vệ chất lượng vườn cây cũng như chất lượng sản phẩm. Địa phương không có quyền nghiêm cấm hay có chế tài xử phạt người dân khi họ không chấp hành. Đây chính là khó khăn lớn đối với đội ngũ cán bộ phụ trách cơ sở, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các hộ không chấp hành.

Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông nan giải: Cán bộ phòng phối hợp với các địa phương thường xuyên đến kiểm tra, nhắc nhở cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Sáng nào cũng thấy người dân đi thu gom mủ chở đi bán cho Nhà máy Chế biến mủ cao su Nam Đông.

Chính quyền địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân với phương châm “mưa dầm thấm sâu” mới mong có hiệu quả để bảo vệ chất lượng vườn cao su. Người dân cần nâng cao nhận thức, đừng “tham bát bỏ mâm”, thấy lợi trước mắt, không thấy nguy hại về sinh kế lâu dài. Nhà máy Chế biến mủ cao su Nam Đông cần hạn chế, thậm chí không thu mua mủ cao su của người dân trong thời điểm này. Đây cũng là giải pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn người dân khai thác mủ ồ ạt khi cây cao su trong thời kỳ thay lá, chịu ảnh hưởng thời tiết rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty CP cao su Nam Đông chia sẻ, trước tình trạng người dân ồ ạt khai thác mủ cao su trong thời điểm này, công ty sẽ cân nhắc, xem xét có nên tiếp tục thu mua mủ nữa hay không. Tuy nhiên nếu đơn vị không thu mua thì người dân cũng có thể khai thác bán cho các lái buôn ở Quảng Trị, Quảng Nam...

Theo UBND huyện Nam Đông, đến nay tổng diện tích cây cao su toàn huyện khoảng 3.400 ha, trong đó có 80-85% diện tích đã cho khai thác mủ. Cây cao su lúc này trong thời kỳ rụng hết lá sinh lý, phát triển chồi non mới nên rất cần nguồn dinh dưỡng. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc cây, vệ sinh miệng cạo, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa cành, tạo tán đảm bảo cho cây phát triển. Cây cao su sẽ cho khai thác trở lại khi tầng lá phát triển ổn định.

Theo kế hoạch, trong tháng 3, ngành nông nghiệp huyện Nam Đông sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ cao su cho người dân có diện tích mới đưa vào khai thác năm 2018 (ước khoảng 200 ha).

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top