Thiếu phù sa, vườn thanh trà Thủy Biều bị ảnh hưởng
Đất “suy kiệt”
Hàng năm, những vườn cây thanh trà ven sông Hương, Bồ, Ô Lâu, Truồi... được bồi đắp một lượng phù sa lớn từ thượng nguồn. Lượng phù sa này bổ sung vi lượng trong đất, giúp trái thanh trà đạt chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân ở các vùng thanh trà, từ khi các thủy điện, hồ đập được xây dựng đi vào hoạt động, các vùng đất trồng thanh trà đang “khát” phù sa do ít lũ tiểu mãn.
Phường Thủy Biều (TP. Huế) có hơn 140 ha thanh trà của gần 1.000 hộ dân, cho sản lượng 980 tấn với doanh thu 35 tỷ đồng/vụ. Trong đó, diện tích thanh trà nằm sát bờ sông gồm các khu vực Lương Quán, Trung Phước và một phần Trung Thượng (chiếm 110 ha).
Ông Đoàn Văn Kế (thôn Lương Quán) cho biết: “Theo tính toán của người trồng, sản lượng thanh trà có giảm dần so với mốc thời gian các hồ đập, thủy điện đi vào hoạt động trên thượng nguồn sông Hương. Càng về sau sản lượng trái giảm càng rõ rệt do đất trong vườn không được bổ sung phù sa mới”.
Cây thanh trà được trồng ven các triền sông, phụ thuộc nhiều vào lượng phù sa bồi đắp hàng năm
Theo ước tính của nhiều nông dân, trước đây, bình quân mỗi năm vùng đất trồng thanh trà Thủy Biều đón từ 7-8 trận lụt nhỏ, mang lớp “bùn non” bồi đắp cho vườn cây ven sông. Việc xây dựng các hồ đập chứa nước hạn chế được lũ lụt nhưng làm mất nguồn phù sa theo lũ về bồi đắp vườn tược ven sông. Nếu thủy điện xả nước thì lưu lượng ít trong khi tốc độ dòng chảy cao khiến phù sa cũng bị cuốn trôi.
Không chỉ chất lượng trái giảm, thiếu phù sa khiến nhiều vườn thanh trà bị “già hóa”. Ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc HTX Thủy Biều đánh giá, theo nghề trồng thanh trà đã mấy chục năm, đến nay chưa có một nghiên cứu nào về lượng phù sa ít lại do các hồ đập, thủy điện được xây dựng, ảnh hưởng đến cây trồng. Nhưng thực tế cho thấy, trước đây thanh trà khai thác 40 năm, thậm chí có những cây “cụ” 50 năm; bây giờ chỉ 20 năm là cây đã già hóa, phải tái tạo lại vườn cây mới.
Năm 2016, HTX Thủy Biều đã mời kỹ sư Võ Mầu (Trung tâm Công nghệ sinh học nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) về Thủy Biều lấy mẫu đất thử nghiệm. Kết quả cho thấy, vườn thanh trà Thủy Biều thuộc dạng đất cát pha thịt, các điều kiện dinh dưỡng để cây thanh trà phát triển đang ở giai đoạn thiếu trầm trọng. Vườn thanh trà cần được cải tạo để nâng cấp độ PH đất lên ở ngưỡng PH 6,0-7,0 và chất hữu cơ tối thiểu trên 3%. Kỹ sư Võ Mầu đề xuất cần bón thêm vôi xay nhuyễn, phân chuồng ủ hoai và sử dụng men vi sinh trong quá trình cải tạo đất và trồng thanh trà.
Biện pháp kỹ thuật đồng bộ
Áp dụng công nghệ tưới mới
“Thay vì tưới tràn đất ở gốc cây như truyền thống, HTX Thủy Biều đã áp dụng công nghệ tưới trên tán cây và chuyển giao cho các hộ dân trồng thanh trà. Mỗi cây được đầu tư hệ thống ống bằng giàn với kinh phí khoảng 150 nghìn đồng. Tưới theo phương pháp mới giúp giảm nhiệt tán cây, phòng bệnh nhện đỏ gây hại làm rụng lá, nám quả và các bệnh khác. Đến nay đã có hơn 30% diện tích thanh trà Thủy Biểu áp dụng phương pháp này”, ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc HTX Thủy Biều cho biết.
|
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Chi cục TT&BVTV tỉnh), thanh trà thuộc loại cây ăn quả có múi, được trồng chủ yếu trên đất phù sa bồi dọc theo các con sông. Để đảm bảo sinh trưởng, phát triển và cho năng suất, chất lượng cao, cây thanh trà cần nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu như đạm, lân, kali, các nguyên tố vi lượng như: Zn, Cu, Bo, Mn,...
Những năm trước đây chưa có đập thủy lợi, thủy điện, đến mùa mưa khoảng tháng 9-12, thường xuất hiện các đợt lũ, bồi đắp phù sa cho các vùng bãi bồi ven sông. Phù sa bồi đắp do các đợt lũ có thể cung cấp cho các vườn thanh trà hàm lượng mùn ở mức trung bình 1-1,5%, đạm tổng số và lân tổng số ở mức trung bình, lân dễ tiêu ở mức nghèo.
Qua kiểm tra thực tế tình hình cây thanh trà hiện nay, một số vườn cây đã già cỗi, vườn tạp chưa được cải tạo, vệ sinh vườn, hệ thống thoát nước chưa được thực hiện. Việc nhân giống chủ yếu bằng phương pháp chiết thông thường và từ những cành sinh trưởng kém, nguy cơ tiềm ẩn nhiều nguồn bệnh.
Theo ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh, để khắc phục trình trạng trên, chi cục đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật xây dựng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cây thanh trà ở một số địa phương như Thủy Biểu (TP. Huế), Phong Thu (Phong Điền). Kết quả thực hiện mô hình cho thấy đã tăng năng suất, chất lượng thanh trà rõ rệt so với chế độ chăm sóc theo tập quán của người dân.
Theo ông Thọ, để nâng cao năng suất, chất lượng cây thanh trà cần quan tâm áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ như cải tạo vườn tạp, vệ sinh vườn, khơi thông hệ thống thoát nước trong mùa mưa; sử dụng giống sạch bệnh hoặc cây ghép bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng (trồng mới); bón phân đa và trung lượng đúng và đầy đủ theo chu kỳ sinh trưởng cây trồng; tăng cường bón phân chuồng hoai mục ủ với chế phẩm trichoderma; thường xuyên theo dõi để phát hiện và quản lý sớm các đối tượng sinh vật gây hại như sâu vẽ bùa, sâu đục thân, đục quả, bệnh vàng lá, chảy gôm...; giai đoạn ra hoa, đậu quả bổ sung phân bón lá có chứa các yếu tố vi lượng như Cu, Zn, Mn, Bo... nhằm tăng tỷ lệ đậu quả, chất lượng quả được nâng cao.
Bài, ảnh: Hà Nguyên