ClockThứ Sáu, 17/10/2014 07:02

Chăm hoa mùa lũ

TTH - Độ này, người dân làng hoa Phú Mậu (Phú Vang) lại tất bật chăm sóc hoa tránh lũ và chuẩn bị trồng phục vụ Tết.

Vợ chồng bà Hà Thị Hiệp ở thôn Tiên Nộn tập trung gia cố bờ bao, sửa chữa lại nhà lưới, ngăn chặn ngập úng vườn hoa khỏi bị thiệt hại khi mưa lũ tràn về. Vườn hoa ly, chuông, đồng tiền được phủ kín bằng hệ thống ni lông, bờ đê bao quanh được đắp cao. Hàng ngàn gốc cúc được tưới rửa, cắt tỉa cẩn thận, chăm sóc nâng cao chất lượng hoa và làm nguồn giống chuẩn bị trồng phục Tết cổ truyền. Bà Hiệp nói: “Trồng hoa là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cao cho dân làng Phú Mậu. Hàng trăm hộ nơi đây đổi đời từ nghề trồng hoa. Các loài hoa đều trồng cho thu hoạch quanh năm. Mỗi sào hoa cúc tính thời điểm giá thấp nhất cũng cho vài chục triệu đồng/năm. Mỗi năm trồng 1.000 cây hoa ly bán được trên 40 triệu đồng. Còn 500 gốc mokara mỗi tháng cho 1,5 triệu đồng...”. 

Trồng hoa chậu trên giàn ở Phú Mậu

Ông Dương Thống, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Phú Mậu 2 chia sẻ, với kinh nghiệm được tích lũy từ bao đời của người dân nên kỹ thuật trồng và chăm sóc, kể cả một số loài hoa mới là không quá khó. Mùa lũ lụt thường gây thiệt hại nên công tác chăm sóc hoa được bà con quan tâm... Trong số hơn 10 ha mỗi năm của làng hoa Phú Mậu có khoảng 2,5 ha hoa trồng tập trung, còn lại phân tán trong các vườn của hộ gia đình. Hoa cúc chiếm phần lớn diện tích khoảng 10 ha. Còn lại hoa ly, chuông, mokara là đối tượng mới đưa vào thí điểm vài năm gần đây. HTX phối hợp với Viện rau quả Trung ương, các ban ngành chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc để nhân rộng diện tích các loài hoa có giá trị cao trên thị trường.

Làng hoa Phú Mậu gồm các thôn: Tiên Nộn, Vọng Trì, Thanh Tiên, Thế Vinh. Tại thời điểm này có khoảng 20.000 gốc hoa ly, chuông, lan mokara, đồng tiền và nhiều vườn hoa cúc để bán cho người dân trong những ngày lễ, thờ cúng và làm giống chuẩn bị trồng phục vụ Tết. Những ngày qua, HTX huy động bà con xã viên tổ chức gia cố bờ bao, nạo vét hệ thống kênh mương thoát lũ kịp thời. Một số ao hồ được bà con nạo vét để tích nước tưới khi nắng hạn. HTX còn hướng dẫn nông dân sử dụng lượng đất bùn từ việc nạo vét ở các ao hồ, kênh mương để cải tạo đất, nâng cao vườn hoa, hạn chế ngập úng. Tại vùng trồng hoa tập trung, HTX chuẩn bị một máy bơm dầu công suất 500m3/s, sẵn sàng vận hành tiêu úng khi lũ tràn về. 

Ông Ngô Quốc An, Trưởng ban Kiểm soát - HTX Phú Mậu cho biết: - Chỉ còn hơn hai tuần nữa, làng hoa Phú Mậu sẽ bước vào vụ trồng hoa Tết với diện tích khoảng 6 ha hoa cúc và khoảng 20 ngàn gốc ly, chuông. Đây cũng là thời điểm mưa lũ thường gây ngập úng nên việc chăm sóc hoa sau lũ được bà con quan tâm. Nhiều vườn hoa sau lũ thường bị bồi lấp, hoặc phủ lớp bùn non trên thân cây và lá. Với hoa cúc bị ngập phải tiêu úng kịp thời, phun xịt, tẩy rửa bùn trên lá và thân, bơm thuốc kích thích rễ phát triển, tuyệt đối không bón đạm khi cây chưa phục hồi. Bên cạnh đó, phải sử dụng hệ thống đèn điện để tăng cường ánh sáng kích thích hoa phát triển nhanh. Cứ 6m2 đấu nối một bóng đèn 50-70W. Mỗi ngày cần thắp đủ 4 giờ và đúng thời điểm, buổi tối từ 17 giờ đến 20 giờ, buổi sáng từ 2 giờ đến 6 giờ. Gần đây, nhiều hộ ở làng hoa Phú Mậu còn hướng đến việc trồng hoa chậu trên giàn, giảm thiểu hậu quả những thiệt hại do mưa lũ kéo dài.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khả năng xuất hiện thêm 1 đợt mưa lớn diện rộng

Ngày 17/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Công điện đến tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về việc ứng phó với bão MAN –YI gần Biển Đông.

Khả năng xuất hiện thêm 1 đợt mưa lớn diện rộng
Return to top