|
|
Kiểm tra sản phẩm trước khi giao cho khách |
Năm 1982, chị Hoàng Thị Kén rời Quảng Điền lên vùng kinh tế mới A Lưới. Gắn bó với vùng đất này nhiều năm, nhận thấy nơi đây có nguồn nguyên liệu đót dồi dào, chị nảy sinh ý định theo nghề làm chổi đót. Thế là người phụ nữ ấy khăn gói về tận một cơ sở có tiếng ở TX. Hương Thủy học nghề với quyết tâm cao.
Khi đã nắm chắc kỹ thuật trong tay, chị vay mượn vốn liếng thu mua nguyên liệu, làm chổi ngay tại nhà. Sản phẩm dần có chỗ đứng, được thị trường ưa chuộng, chị tiến tới thành lập HTX, mở rộng quy mô sản xuất. Mỗi mùa, HTX chị thu mua trên dưới 5 tấn đót tươi làm chổi cung ứng cho đại lý và khách hàng. Bình quân mỗi tháng, HTX Hoàng Thiện làm được khoảng 1.000 cái chổi, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động. Ngoài công việc chính, bà con có thể nhận đót về làm những công đoạn thích hợp. Tước đót được trả 4.000 đồng/kg; lên lọn: 3.000đ/cái chổi; làm cán: 4.000 đồng/cái... Nếu siêng năng, chăm chỉ, mỗi người có thể kiếm thêm thu nhập xấp xỉ 2 triệu đồng mỗi tháng.
Bà Kăn Hôn ngoài 70 tuổi, xã A Ngo, người thường xuyên đến nhận nguyên liệu đót về gia công kể: “Người ta làm phụ chứ với mẹ đây là công việc chính. Mùa cao điểm, mỗi ngày mẹ kiếm được hơn 100 ngàn đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể của một người cao tuổi như mẹ”.
Chị Lê Thị Thanh Quyên, người gắn bó với nghề chổi đót cùng chị Kén từ ngày đầu khởi nghiệp hiện là thợ lành nghề trong HTX. Ngoài làm chổi hàng ngày, chị Quyên còn phụ chị Kén đi dạy và truyền nghề cho bà con. Chị chia sẻ: “Nếu yêu nghề, gắn bó thì nghề không phụ. Nghề chổi đót cho mình có cơ hội tham gia chương trình “Vượt lên chính mình”, được cấp vốn trả nợ ngân hàng và mở ra một cuộc sống mới. Giờ mình đã nuôi con ăn học nên người, kinh tế gia đình ổn định”.
Hơn 20 năm thăng trầm theo nghề, chị Kén bảo rằng, làm chổi cần sự tỉ mỉ, siêng năng. Một cây chổi làm ra phải đẹp và bền mới đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để trả những đơn hàng lớn, chị phân chia nhiều công đoạn, người giỏi việc nào sẽ đảm nhận công việc đó, nhờ vậy mà năng suất đảm bảo, sản phẩm trả đúng hẹn. Như chị Quyên, mỗi ngày làm 30-50 lọn đót đều đặn, chổi nhìn bằng mắt thường đều răm rắp khiến khách hàng hài lòng. Chổi đót chị Kén không chỉ có mặt trong tỉnh mà còn tiêu thụ tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình… Vào các dịp tổ chức hội chợ thương mại hoặc giới thiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn, lao động tập trung tại nhà chị Kén để làm việc đến 19 giờ đêm, không khí rộn ràng, sôi động. Ấy vậy mà nhiều thời điểm, chổi của chị làm ra không kịp bán, khách hàng có khi phải chờ đợi.
Không chỉ làm đót, chị Kén còn sáng tạo thêm mẫu mã từ nghề đan lát làng quê Bao La, trồng nấm bào ngư… tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nhiều người. Từ năm 2008 đến nay, chị Kén được Trung tâm Dạy nghề huyện A Lưới mời tham gia đào tạo nghề cho hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số ở A Roàng, A Đớt, Quảng Nhâm, Hồng Bắc… giúp họ tận dụng nguyên liệu phong phú vùng rừng núi, thêm nguồn thu nhập phụ giúp gia đình.
Học viên học 1,5 - 2 tháng, thuần thục là có thể ra nghề. Với người khó khăn, chị Kén tặng đồ nghề gồm: dao, kéo, kim, may, búa, kềm… giúp họ có thêm động lực khởi nghiệp, thoát nghèo.
Chị Hồ Thị Sương - Chủ tịch Hội phụ nữ xã A Ngo (A Lưới) cho biết: “Cơ sở chị Kén là nơi làm chổi đót quy mô, có tiếng ở huyện. Chị Kén là một phụ nữ năng nổ, giàu tấm lòng nhân ái. Không chỉ truyền nghề, chị là người có tấm lòng nhân hậu. Hàng trăm trường hợp khó khăn trên địa bàn được chị hỗ trợ bằng vật chất hoặc tinh thần”.