Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật yêu cầu các ban ngành, địa phương chú trọng đến công tác phòng chống cháy rừng, lụt bão
Sáu tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch trên địa bàn TP. Huế ước đạt 600 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ do ảnh hưởng dịch COVID-19; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 19.895 tỷ đồng (tăng 14,58%); giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt gần 4.894 tỷ đồng (tăng 11,22%); giá trị hàng xuất khẩu đạt 72,7 triệu USD; thu ngân sách thành phố đạt 699 tỷ đồng (71% dự toán)…
Cùng với thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án (DA) trọng điểm như DA di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế, DA Cải thiện môi trường nước thành phố Huế, chỉnh trang công viên 2 bờ sông Hương, nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh ở TP. Huế suy giảm và có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới, ngành du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Hiệu quả điều hành phát triển kinh tế còn chưa đạt yêu cầu, một số DA, đề án, kế hoạch chưa đảm bảo tiến độ đề ra, gặp vướng mắc trong thực hiện...
Từ 1/7/2021, TP. Huế được mở rộng với diện tích tăng 3,8 lần (265,99 km2), dân số tăng gần 2 lần (652.572) người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã, địa bàn rộng và dân cư đông. Vì vậy, 6 tháng cuối năm 2021, thành phố triển khai nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với tình hình mới của TP. Huế sau mở rộng.
Phát biểu tại buổi họp, Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định nhấn mạnh, thành phố cần nhanh chóng triển khai chủ trương việc sắp xếp các khu vực đang kinh doanh, buôn bán ở một số tuyến đường trên địa bàn theo phương án phù hợp gắn với việc đầu tư, cải tạo, chỉnh trang vỉa hè theo Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở các xã phường vừa sáp nhập vào thành phố…
Từ đây đến cuối năm, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị, đặc biệt là chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật yêu cầu các ban ngành, địa phương sớm có các Chỉ thị về tăng cường quản lý đô thị, quản lý xây dựng, công tác quản lý đất đai, đặc biệt là ở 13 xã, phường vừa sáp nhập vào thành phố; nghiên cứu, triển khai mở rộng, chỉnh trang nhiều tuyến đường và công viên, đồng thời thông tất cả các tuyến đường khu quy hoạch Vỹ Dạ, Xuân Phú kết nối với khu B An Vân Dương… Đẩy mạnh kỷ cương kỷ luật hành chính tại các cơ quan, đơn vị, các phường, xã; tiếp tục chỉnh trang diện mạo đô thị Huế theo hướng khang trang, văn minh, hiện đại, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành được thông suốt. Nghiên cứu, chỉnh trang để sang năm 2022, Huế có các tuyến phố đi bộ xung quanh Hoàng Thành gắn với các hoạt động đặc sắc của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, sản phẩm mới về đêm…
Mặt khác, thành phố tiếp tục duy trì hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo đời sống Nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao vai trò của tổ giám sát cộng đồng ở cơ sở. Đặc biệt, chú trọng đến công tác phòng chống cháy rừng, lụt bão, đây là hai lĩnh vực sẽ có nhiều phát sinh khi TP. Huế đã được mở rộng; cần sự chủ động, tính toán chi tiết các phương án để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Trong quá trình thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có vướng mắc cần đề xuất ngay nhằm có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời để các công việc, nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất, đưa TP. Huế phát triển với tiềm năng, lợi thế hiện có.
Tin, ảnh: Khánh Thư