|
Lực lượng tham gia chữa cháy rừng trong năm 2023 |
Trước nguy cơ cháy rừng rất cao, trong các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), tỉnh ưu tiên phương châm “phòng là chính”.
Dù mới bắt đầu mùa nắng nóng, nhưng nỗi lo cháy rừng đã hiện rõ đối với các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng. Kiểm lâm Hoàng Kim Quy thuộc Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế bảo, dù là kiểm lâm nữ nhưng vẫn không quản ngại gian khó, ngày đêm cùng với lực lượng đơn vị tổ chức tuần tra rừng.
Hầu như tất cả các cánh rừng thông cảnh quan, đặc dụng trên địa bàn TP. Huế đều có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào nên quá trình tuần tra, lực lượng kiểm lâm không thể bỏ sót khu vực nào. Hoạt động tuần tra chủ yếu giám sát người dân thắp nhang, đốt vàng mã tại các khu nghĩa trang gần rừng để nhắc nhở bà con không chủ quan và sớm phát hiện lửa cháy để dập tắt kịp thời khi còn “manh nha”.
Ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng HKL TP. Huế cho rằng, PCCCR là nhiệm vụ không chỉ của lực lượng kiểm lâm mà còn cả toàn xã hội. Những người sống cạnh rừng, hoặc có hoạt động sản xuất liên quan đến rừng có vai trò quan trọng trong kiểm tra, giám sát, đặc biệt không chủ quan khi đốt lửa nấu ăn, hút thuốc cạnh rừng. Khi phát hiện có dấu hiệu cháy rừng, người dân cần báo ngay với lực lượng chức năng và tích cực tham gia chữa cháy kịp thời.
Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng vẫn đóng vai trò chủ lực, tiên phong trong các hoạt động phòng ngừa cháy rừng. Họ phải bằng mọi biện pháp để có thể kiểm soát, dập tắt kịp thời khi mới phát hiện đám cháy, không để lây lan diện rộng dẫn đến ngoài tầm kiểm soát, gây nhiều hệ lụy, thiệt hại đến rừng và môi trường sinh thái. Để làm tốt điều này không còn cách nào khác phải triển khai có hiệu quả phương châm “phòng là chính”.
Từ đầu năm, HKL TP. Huế củng cố lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng, duy tu, bảo dưỡng và mua sắm thêm các trang, thiết bị, máy móc phục vụ ứng phó cháy rừng như bàn dập lửa, máy thổi, làm đường ranh cản lửa... Hầu hết các bể chứa nước tại các điểm xung yếu đều được chứa đầy nước, cùng với máy móc, ống dẫn nước được trang bị sẵn sàng phục vụ khi có cháy xảy ra.
Tại huyện Phong Điền những năm gần đây không chỉ lo cháy rừng ở khu vực gò đồi, miền núi mà cả những cánh rừng keo tràm trên cát ven biển. Hầu như mùa nắng nóng năm nào cũng xảy ra cháy rừng tại Phong Hải, Điền Hòa… Việc huy động lực lượng tại chỗ, Nhân dân tham gia ứng cứu khi cháy rừng gặp nhiều khó khăn.
Khi xảy ra cháy rừng trên cát, chủ yếu phụ thuộc vào lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng chữa cháy. Xe bồn chứa nước chữa cháy đều nằm cách xa các khu rừng keo tràm trên cát hàng chục km. Vậy nên, biện pháp được xem tối ưu nhất là cử lực lượng HKL huyện Phong Điền phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuần tra, giám sát với phương châm “phòng là chính” để ngăn chặn, dập tắt kịp thời khi mới phát hiện đám cháy nhỏ.
Tại huyện miền núi Nam Đông đã và đang làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR dựa vào cộng đồng. Theo ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng HKL huyện Nam Đông, các lực lượng, đơn vị không chủ quan, lơ là trong PCCCR. Các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình hằng tuần đều tổ chức họp bàn, triển khai tuần tra, giám sát rừng và PCCCR. Điều này cho thấy, các cộng đồng, Nhân dân ý thức tốt trong việc phối hợp với các lực lượng bảo vệ rừng và PCCCR nói riêng.
Với phương châm “phòng là chính”, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các ban, ngành triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp phòng ngừa cháy rừng. Trong đó, tuần tra, giám sát tại các cánh rừng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để sớm ngăn chặn và xử lý nhanh gọn đám cháy khi vừa mới phát hiện.