ClockThứ Ba, 05/11/2024 06:17

Đa dạng hóa hoạt động thể thao cho học sinh hệ 9+

TTH - Song song với việc truyền đạt kiến thức theo chương trình giảng dạy văn hóa bậc trung học phổ thông và chương trình đào tạo trung cấp đối với học sinh tốt nghiệp THCS (hệ 9+), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm phát triển hoạt động thể dục - thể thao. Qua đó, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe, giúp các em có được thể trạng tốt nhất để hướng đến thành tích cao trong học tập.

Truyền thông phòng, chống HIV cho 200 sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

 Thử nghiệm giảng dạy môn Pickleball trong giờ giáo dục thể chất tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế

Hệ 9+ là mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa phổ thông dành cho học sinh tốt nghiệp THCS và học sinh đang học dở THPT. TS. Lê Văn Luận, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế thông tin: Việc tạo sân chơi thể thao cho học sinh - sinh viên là mục tiêu mà hầu hết các trường hướng tới. Tuy nhiên, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế đặc biệt quan tâm công tác này, bởi những tác dụng tích cực của thể thao đối với sức khỏe, thể chất của người học. Nhà trường cho rằng, một trí óc minh mẫn chỉ tồn tại trong một cơ thể khỏe mạnh, nên việc đa dạng hóa sân chơi thể thao rất cần thiết và phù hợp với mong muốn của các em.

Đối với các em học sinh theo học Chương trình hệ 9+, đây là một hoạt động được nhà trường đặc biệt quan tâm; tạo mọi điều kiện và tích cực vận động nguồn lực từ xã hội để từng bước trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao cho học sinh.

Hiện nay, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã đưa các môn bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá và thử nghiệm môn pickleball vào chương trình giảng dạy học phần giáo dục thể chất. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, hoạt động dạy và học môn giáo dục thể chất của trường đạt hiệu quả khá cao. Hiện nay, trường cũng là nơi lựa chọn của các em vận động viên năng khiếu môn bóng đá của tỉnh. Các học sinh của trường là những cầu thủ có vai trò quan trọng trong các đội tuyển bóng đá của tỉnh. Đặc biệt, với việc thử nghiệm giảng dạy môn pickleball, bộ môn còn khá mới, đang rộ lên như một trào lưu thể thao trong xã hội, đã tạo “cú hích” để các em tiếp cận và tập luyện tích cực.

“Chúng tôi tạo nhiều sân chơi thể thao không hẳn để học sinh đạt thành tích cao ở các giải đấu các cấp, mà mục tiêu chính là giúp các em phát triển thể chất, nâng cao sức khỏe để học tập tốt. Đây là một phần quan trọng trong sự nghiệp “trồng người” mà nhà trường đang hướng tới. Thực tế, việc tiếp cận các sân chơi thể thao giúp học sinh tránh xa tệ nạn xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh để phát triển năng lực, nhân cách sau này”, TS. Lê Văn Luận phân tích.

Là một trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế luôn hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn lao động trẻ có chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nỗ lực nâng cao chất lượng sân chơi thể thao học đường, thông qua việc trang bị cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của các giảng viên giảng dạy bộ môn giáo dục thể chất.

Hiện tại, trường có sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân bóng rổ, sân pickleball để học sinh, sinh viên vận động thể chất, giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Các sân chơi thể thao này giúp các em gắn bó hơn với bạn bè và các thế hệ học sinh theo học tại trường. Ngoài việc tạo sân chơi phục vụ học sinh, trường cũng hướng tới mục tiêu tạo nguồn vận động viên cho địa phương, hướng đến các sự kiện văn hóa - thể thao lớn trên địa bàn tỉnh.

Việc quan tâm nâng chất hoạt động thể thao học đường sẽ góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo học sinh một cách toàn diện cả về trí tuệ, thể chất. Đồng thời, giúp ngành thể thao các địa phương phát hiện, bồi dưỡng nguồn vận động viên chất lượng trong tương lai. Đối với học sinh hệ 9+, với việc học song song giữa chương trình văn hóa bậc THPT và học trung cấp, đây là một nội dung thiết thực, nhằm giúp học sinh giảm căng thẳng sau những giờ lên lớp lý thuyết, xuống xưởng thực hành, góp phần yêu trường, yêu nghề và đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện.

Bài, ảnh: Nguyên Bích
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hóa sinh kế từ những mô hình phát triển nông nghiệp

Để thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn 2,2-2%, tỉnh xác định phát triển sinh kế, tăng thu nhập cho người dân là giải pháp hữu hiệu nhất.

Đa dạng hóa sinh kế từ những mô hình phát triển nông nghiệp
KINH TẾ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP:
Chưa đáp ứng yêu cầu - Kỳ 2: Gỡ khó để phát triển

Cần vốn, nhân lực để tháo gỡ khó khăn, hạn chế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) theo mô hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi cung ứng, “chuỗi giá trị”, ứng dụng công nghệ cao… là mục tiêu hướng đến của ngành nông nghiệp.

Chưa đáp ứng yêu cầu - Kỳ 2 Gỡ khó để phát triển
IEA: Đông Nam Á cần đa dạng hóa nguồn năng lượng

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, khu vực Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước một cuộc khủng hoảng năng lượng, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh chóng, và khu vực này cần đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng.

IEA Đông Nam Á cần đa dạng hóa nguồn năng lượng
Return to top