68 cửa ngăn mặn tại đập Cửa Lác có cao trình thấp, chỉ +0,5m
Hư hỏng nhiều điểm
Đập Cửa Lác dài khoảng 2,5km, có chức năng ngăn mặn giữ ngọt đoạn cuối nguồn sông Ô Lâu và phá Tam Giang; kết hợp với giao thông, kết nối nhiều xã của hai huyện Phong Điền, Quảng Điền. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, đập Cửa Lác đã xuống cấp một số hạng mục từ mái đến thân đập; cao trình của đập và cửa cống ngăn mặn, làm nước mặn thẩm thấu, tràn qua đập khi triều cường, xâm nhập đồng ruộng.
Ông Nguyễn Văn Lộc, xã viên HTX Thống Nhất (Quảng Thái, Quảng Điền) cho biết: “Từ đầu vụ đông xuân, tình trạng triều cường đã “làm khổ” bà con khi có hàng chục hec ta (ha) lúa đã gieo sạ bị ngập phải tiêu úng dài ngày. Vụ hè thu năm nay, nếu nước mặn xâm nhập, đồng ruộng bị nhiễm mặn thì rất khó khăn”.
Ông Nguyễn Văn Chơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái lo lắng: “Đập Cửa Lác hiện nay xuống cấp một số điểm, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến 150 ha lúa (trên tổng diện tích 720 ha) và 35 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) toàn xã; nhất là vùng quy hoạch sinh thái Tràm Chim với diện tích 63ha nằm gần cửa sông Ô Lâu, trong đó có 10 ha lúa của người dân”.
Nông dân cũng như chính quyền địa phương vùng dọc Tỉnh lộ 4 lo lắng bởi xã Quảng Thái là đoạn cuối của huyện Quảng Điền nhưng là điểm đầu của đập Cửa Lác. Nếu vùng này bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn thì sẽ có cả nghìn ha lúa của huyện Phong Điền nguy cơ khó sản xuất. Theo nhiều bà con nông dân, hiện nay tình trạng chuột làm tổ, xuất hiện trong thân đập khá nhiều, khi sóng tràn vào thân đập sẽ gây xói lở, uy hiếp an toàn đập.
Có mặt tại đập Cửa Lác, theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù chưa là thời điểm triều cường nhưng thân đập một số điểm đã mấp mé mực nước; nhiều nơi mái đập bị sạt, tấm lát bê tông bị vỡ. Một số cửa ngăn mặn bị lún, nằm chìm dưới nước; cửa cống cũng xuống cấp, xói lở gây rò rỉ nước mặn vào đồng ruộng và hệ thống trạm bơm Bắc Biền nằm trong hệ thống đập bị xói lở, người dân và trạm quản lý đập Cửa Lác (thuộc Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh) phải dùng đất đá đắp tạm.
Mặt đập Cửa Lác bị bong tróc, lát bê tông bị vỡ
Sắp được bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp
Ông Văn Trí, Trạm trưởng trạm Cửa Lác cho biết, đập Cửa Lác xây dựng năm 2000 và đến năm 2002 đưa vào vận hành khai thác. Đập ngoài chức năng giao thông còn ngăn mặn giữ ngọt bảo vệ đồng ruộng, vùng NTTS cho gần như các xã của huyện Phong Điền và một phần của huyện Quảng Điền. Sau nhiều năm, hiện trạng đập hiện nay đã bộc lộ một số điểm hư hỏng xuống cấp gây tràn cục bộ khi triều cường khoảng 300m. Cao trình đập khi xây dựng +0,6m nhưng hiện nay chỉ còn +0,55m và một số điểm chỉ còn +0,45m; riêng hệ thống cửa ngăn mặn gồm 68 bộ cũng bị tràn vì cao trình thấp, chỉ còn lại +0,5m (so với +0,6m khi mới xây dựng).
Về nguyên nhân xuống cấp, ông Trí cho rằng, nền đất đập vốn bị yếu vì trước đây lấy đất bùn dưới phá đắp thi công. “Một phần do thiết kế và thời gian sử dụng đã lâu nên không tính toán được tình trạng mực nước dâng như hiện nay”, ông Trí nói.
Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, đập Cửa Lác xuống cấp một số điểm đã được các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát, kiểm tra và sắp bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư nâng cấp. Cụ thể, vừa qua, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn 1,5 tỷ đồng để thực hiện việc nâng cấp sửa chữa nâng cao trình đập, cửa ngăn mặn và một số hạng mục như mái, thân đập…
Ông Nguyễn Văn Chơn thông tin, hiện nay, UBND huyện Phong Điền cũng đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông từ Tỉnh lộ 4 ra đập Cửa Lác với nguồn vốn 5,2 tỷ đồng. Tuyến đường này được đầu tư mở rộng không chỉ tăng cường khả năng giao thông giữa các địa phương mà còn giúp người dân phát triển sản xuất.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh thông tin, từ nguồn vốn khắc phục bão lụt hiện nay, một số dự án như kè ven các sông Hương, Bồ, nâng cấp đập Cửa Lác, các tuyến đê bao Vinh Hà, … đang chờ phê duyệt để triển khai. Ngoài ra, một số dự án đang triển khai từ nguồn vốn ADB như nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông nội đồng đông tây Hói Tôm; đê ven sông Thiệu Hóa, Đại Giang. “Một số công trình nâng cấp trong chương trình đê biển, kè biển thì cần nguồn vốn đầu tư lớn, cũng đang đề xuất Bộ NN&PTNT trình Chính phủ”, ông Hùng nói.
UBND tỉnh vừa có quyết định hỗ trợ 30 tỷ đồng từ nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương cho các ngành NN&PTNT, GTVT và UBND các huyện, thị xã, TP. Huế khắc phục thiệt hại do mưa lũ; trong đó, ngành NN&PTNT được hỗ trợ 26,5 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thủy lợi, phục hồi sản xuất… |
Hà Nguyên