ClockThứ Hai, 17/09/2012 16:42

Đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp

TTH - Gần đây, việc đưa thiết bị cơ giới vào đồng ruộng không chỉ giải phóng sức lao động nông dân mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trong tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn việc đẩy mạnh cơ giới hoá (CGH) sản xuất nông nghiệp là vấn đề tất yếu đang được tỉnh và ngành nông nghiệp quan tâm; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ CGH nông nghiệp toàn tỉnh bình quân đạt 70%.

 

Tuốt lúa bằng máy

 

Hiệu quả thấy rõ

 

Ông Nguyễn Khánh, nông dân ở thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền) cho rằng, khi đời sống ngày càng nâng cao thì nhu cầu giải phóng sức lao động của nông dân trở nên bức thiết. Mấy năm gần đây, năng suất và chất lượng sản phẩm lúa và rau màu tăng cao một phần là nhờ đưa các thiết bị cơ giới vào sản xuất. Trước đây, gia đình ông Khánh cũng như bà con nông dân thuê trâu cày 5-7 sào ruộng phải mất hơn một ngày, chi phí mỗi sào khoảng 50-70 ngàn đồng. Nay bà con cày đất bằng máy cơ giới, mỗi ngày có thể hơn mẩu rưỡi, chi phí cũng chỉ tương đương cày bằng trâu. Khâu gặt lúa, thổi lúa bằng máy cũng nhanh hơn gấp 5-10 lần, nhưng chi phí thấp hơn so với gặt thổi thủ công.

 

Việc đưa các thiết bị máy móc vào đồng ruộng giúp hiệu quả sản xuất cao hơn. Những năm gần đây, năng suất lúa trên địa bàn huyện Quảng Điền tăng đáng kể. Riêng vụ hè thu 2012, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt khoảng 60 tạ/ha. Trên địa bàn hình thành nhiều mô hình chăn nuôi trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, như trồng rau sạch, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm một phần nhờ CGH. Đưa thiết bị cơ giới vào đồng ruộng đã rút ngắn tối đa thời gian sản xuất, bà con nông dân tận dụng lúc nông nhàn làm thêm nhiều việc khác để tăng thu nhập. Theo ông Nguyễn Khánh, mấy năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường, mưa lũ xảy ra sớm hơn, nhờ đưa máy cơ giới vào thu hoạch lúa nhanh gọn đã hạn chế tối đa thiệt hại.

 

Huyện Quảng Điền là một trong những địa phương triển khai chủ trương đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp sớm nhất toàn tỉnh. Ông Hồ Vang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, khoảng từ năm 1987, huyện bắt đầu triển khai chương trình xây dựng đường giao thông nội đồng, cũng là lúc các hợp tác xã và bà con nông dân mạnh dạn mua sắm các trang thiết bị cơ giới để phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn huyện CGH gần 100% khâu làm đất, 70% khâu thu hoạch, 100% khâu tuốt thổi lúa, 40% khâu vận chuyển...

 

Cày ruộng bằng cơ giới

 

Hổng khâu sạ giống và phơi sấy

 

Từ khi nông dân được giao ruộng để chủ động sản xuất và thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa”, hệ thống giao thông nội đồng trên địa bàn tỉnh được xây dựng cơ bản hoàn thiện thì việc CGH trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh đầu tư.

 

Đến nay, toàn tỉnh có trên 100 chiếc máy kéo với công suất 35 CV/máy, 1.000 máy kéo trung bình từ 12 đến dưới 35 CV/máy, 2.000 máy kéo có công suất nhỏ; trên 1.600 máy tuốt có động cơ; khoảng gần 100 máy gặt đập liên hợp, 100 máy gặt xếp hàng; khoảng 4.500 cái máy cày... Với số lượng thiết bị cơ giới trên đã đáp ứng nhu cầu sản xuất bình quân khoảng 65% diện tích trên địa bàn.

Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông nội đồng và mua sắm thiết bị máy móc phục vụ CGH. Ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã CGH khoảng 65% trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là đối với cây lúa năng suất tăng lên hằng năm, riêng năm 2012, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 57 tạ/ha. Tuy nhiên, theo ông Hồ Đăng Vang, việc CGH chủ yếu tập trung cho cây lúa, ở khâu làm đất, thổi lúa, vận chuyển, còn khâu sạ giống và phơi sấy chưa được quan tâm đầu tư. Các loại máy móc hiện đại như máy gặt đập liên hợp phải mua từ các tỉnh phía Nam với số lượng rất hạn chế. Giá bình quân mỗi chiếc từ 100 triệu đến 150 triệu đồng, ngoài khả năng đầu tư của người dân...

 

Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, việc CGH trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc CGH vẫn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất trong tiến trình công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Việc tăng cường đầu tư đưa CGH vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp đang được tỉnh hết sức quan tâm. Mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bình quân trên 70%. Để đạt được kết quả đó, tỉnh và ngành nông nghiệp cần tăng cường chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng; đầu tư công tác nghiên cứu, chế tạo và hỗ trợ nông dân mua sắm trang thiết bị cơ giới...

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

Sáng 1/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, TP. Huế; chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt
Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top