Tôm bị bệnh chưa đạt kích cỡ thu hoạch buộc phải chôn hủy
Thiệt hại lớn
Ông Nguyễn Văn Đức (xã Vinh Hưng, Phú Lộc) thông tin, cách đây một tuần, tôm nuôi của gia đình ông bắt đầu có dấu hiệu bỏ ăn, nổi lên mặt hồ và chết rải rác. Từ kinh nghiệm của ông Đức, cũng như qua kiểm tra của cơ quan chức năng, xác định tôm bị nhiễm một số loại bệnh, trong đó phần lớn là bệnh đốm trắng.
Ông Đức triển khai nhiều biện pháp xử lý nhưng dịch bệnh vẫn lây lan trên diện rộng và chết hàng loạt từ hai ngày nay. Hai ao hồ nuôi xen ghép tôm - cua - cá của ông Đức, trong đó tôm chết gần như hoàn toàn. Tôm nuôi chỉ chưa đầy hai tháng tuổi, chưa đạt kích cỡ để bán nên buộc phải tiêu hủy. Tính chi phí mua giống, thức ăn, điện, nước… trong hai tháng nuôi, ước thiệt hại cả hai hồ khoảng 100 triệu đồng.
Theo lãnh đạo xã Vinh Hưng, tính đến ngày 21/4, trên địa bàn xã có khoảng 200/335 ha nuôi tôm nước lợ, mặn đều xảy ra dịch bệnh, chiếm hơn một nửa diện tích. Dịch bệnh chủ yếu là đốm trắng, tốc độ lây lan nhanh, có nguy cơ lây nhiễm toàn bộ diện tích nuôi trên địa bàn. Chính quyền địa phương hỗ trợ hóa chất, hướng dẫn các hộ nuôi các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên đến nay, dịch bệnh gây thiệt hại khá lớn, nhiều ao hồ gần như mất trắng.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông thông tin, vụ nuôi tôm năm 2020, toàn huyện có trên 1.000 ha, trong đó nuôi xen ghép tôm - cua - cá 880 ha, còn lại chuyên tôm. Đến nay, tôm đang trong giai đoạn 30 - 70 ngày tuổi. Thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường ô nhiễm nên phần lớn diện tích nuôi xen ghép xảy ra hiện tượng tôm chết, chết hàng loạt với diện tích 550 ha, tỷ lệ tôm chết bình quân từ 60 - 90%. Trong đó, các xã Vinh Hưng 200 ha, Giang Hải 100 ha, Lộc Điền 120 ha, còn lại các xã khác.
Dịch bệnh trên tôm nuôi cũng đã xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh với diện tích gần 1.000 ha. Trong đó, các xã Quảng An, Quảng Thành (Quảng Điền) đến nay có hơn 20 ha nuôi tôm xen ghép bị bệnh đốm trắng, chết gần như hoàn toàn.
Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, bà Phan Thị Thanh Nhã, hiện tại tôm nuôi khoảng 1,5 tháng. Với tôm chân trắng nhanh lớn nên có thể thu hoạch bán được, hòa vốn, còn hầu hết nuôi xen ghép đều bị lỗ, bình quân mỗi hộ lỗ chi phí giống, thức ăn gần 10 triệu đồng.
Ứng phó dịch bệnh
Trong khi dịch bệnh tại nhiều địa phương lây lan trên diện rộng thì tại huyện Quảng Điền đang được kiểm soát, đến nay mới chỉ hơn 20 ha bị dịch trong tổng diện tích nuôi toàn huyện trên 700 ha. Kinh nghiệm và sự chủ động của người dân được xác định là yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh.
Hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm sú trên vùng đầm phá Tam Giang, ông Nguyễn Văn Luận ở xã Quảng An nhận thấy, tôm nuôi dễ mắc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, taura, hội chứng gan tụy... Khi xác định tôm chết do bệnh đốm trắng phải chấp hành các quy định, theo hướng dẫn của cơ quan chức năng trong phòng chống dịch. Giai đoạn tôm mới chỉ 30 - 45 ngày bị chết phải xử lý tiêu hủy, không để rơi vãi ra vùng nuôi. Các dụng cụ, trang thiết bị liên quan đến quá trình nuôi tôm được vệ sinh sạch sẽ.
Những ao nuôi xen ghép tôm - cua - cá bị dịch bệnh đốm trắng, hay các bệnh nguy hiểm được xử lý như nuôi chuyên tôm nhưng nồng độ chlorine thấp hơn. Các hộ nuôi chỉ cấp thêm nước vào ao khi cần thiết, hạn chế xả nước ra môi trường bên ngoài và xét nghiệm lại dịch bệnh sau một tuần.
Thạc sĩ Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi thú y (CNTY) lưu ý, quá trình nuôi, người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu bất thường của tôm. Các hộ nuôi cần tăng cường chăm sóc, bổ sung các loại vitamin nhằm tăng đề kháng; có biện pháp kỹ thuật hợp lý, phòng trừ dịch bệnh trên tôm theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Các hộ nuôi phát hiện ao tôm có dấu hiệu bị bệnh phải báo cho các Trạm CNTY huyện, thị xã, thú y cơ sở, chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Các hộ nuôi phối hợp với cán bộ thú y tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định dịch bệnh (xét nghiệm miễn phí và thông báo kết quả không quá 24 giờ); đồng thời thông báo cho chi hội nghề cá, tổ nuôi trồng thủy sản (nếu có), các chủ hộ nuôi tôm xung quanh biết để có biện pháp phòng trừ dịch bệnh...
Bài, ảnh: Hoàng Thế