ClockThứ Tư, 11/07/2018 05:15

Gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững

TTH - Lồng ghép các dự án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM) với mô hình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội, người dân ở Quảng Điền có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,23% năm 2015 xuống còn khoảng 9% vào giữa năm 2018.

Nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn mới còn hơn 1.630 tỷ đồngDồn sức xây dựng nông thôn mớiVăn nghệ truyền thông về xây dựng nông thôn mớiCán bộ nêu gương, dân dễ đồng thuậnTriển khai mô hình dân cư nông thôn mới

Thanh long ruột đỏ ở trang trại Quảng Lợi cho thu nhập 150 triệu đồng/ha

Lan tỏa sâu rộng

Ông Nguyễn Thanh Nhân (80 tuổi) ở xã Quảng Phước cảm nhận: “Chưa bao giờ tui cảm thấy vui trước sự đổi thay của quê hương Quảng Điền như bây giờ. Sự đổi mới đáng kể bắt đầu từ khi các địa phương triển khai chương trình xây dựng NTM. Sức lan tỏa của phòng trào NTM rất lớn, sâu rộng, đến đâu cũng thấy người dân làm đường bê tông, đê bao nội đồng, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa thôn, xã, các khu vui chơi giải trí. Các mô hình sản xuất mới được người dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Theo ông Nhân, chương trình NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước mà chủ thể hưởng lợi chính là người dân. Vì vậy khi triển khai các công trình NTM được người dân đồng tình, ủng hộ. Bà con sẵn sàng hiến đất, hiến cây, đóng góp vật liệu và ngày công lao động để xây dựng các công trình. Chỉ vài năm gần đây, diện mạo các địa phương có nhiều chuyển biến, đường sá, nhà văn hóa, các công trình công cộng được xây dựng khang trang, chỉnh trang tươm tất, sạch đẹp.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền đánh giá, có được kết quả như bây giờ ngoài sự hỗ trợ, đầu tư nguồn lực của cấp trên cần phải kể đến sự đồng lòng, tham gia, hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Đây chính là động lực cho các địa phương triển khai các tiêu chí NTM một cách thuận lợi. Các tiêu chí NTM được các địa phương thực hiện khá tốt như quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Trong phát triển sản xuất, các địa phương gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trong nông nghiệp, tăng dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Một số ngành nghề như đan lát Bao La, Thủy Lập, làm nón lá, chế biến trà rau má, cơ khí, dịch vụ kinh doanh tổng hợp, nhà hàng... có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai và mang lại hiệu quả khá cao, như mô hình cánh đồng mẫu lúa, nuôi trồng thủy sản xen ghép, trồng mía, rau má, trồng rau an toàn, trang trại tổng hợp... cho thu nhập từ 150-300 triệu đồng/ha.

Đến nay, Quảng Điền có hai xã là Quảng Phú và Quảng Công đạt 19/19 tiêu chí NTM; các xã còn lại đạt từ 15-17 tiêu chí NTM. Phấn đấu đến năm 2020, các địa phương còn lại đều đạt 19/19 tiêu chí NTM. Từ năm 2016 đến tháng 6/2018, toàn huyện đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn hơn 1.184,2 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, giao thông nội đồng, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, thuỷ lợi, y tế, môi trường, đầu tư phát triển sản xuất.

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Ông Hồ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Huyện ủy Quảng Điền thông tin, xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững (GNBV) là một trong những mục tiêu trọng tâm trong xây dựng NTM của huyện Quảng Điền trong năm 2018. Để hướng đến GNBV, huyện đã lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án GNBV, bố trí, huy động nguồn lực ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn, gắn với triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội.

Quảng Điền tranh thủ nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia GNBV để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng bãi ngang ven biển với tổng kinh phí 14,882 tỷ đồng. Các địa phương tích cực vận động, hỗ trợ sản xuất giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Nguồn vốn đã bố trí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng mô hình sinh kế từ năm 2016 đến nay khoảng 8,76 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình GNBV 4,5 tỷ đồng với 19 mô hình chăn nuôi bò, lợn, gà, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ ngư lưới cụ… Các địa phương đang triển khai các dự án sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí 2,4 tỷ đồng và nguồn vốn đóng góp của Nhân dân trên 3 tỷ đồng.

Các ban ngành đang triển khai các hoạt động đào tạo nghề, phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Với các hộ nghèo, cận nghèo được tạo điều kiện làm việc tại các cơ sở may công nghiệp trên địa bàn (Công ty CP Triệu Phú ở thị trấn Sịa, Công ty Huy Long ở xã Quảng Công); khuyến khích phát triển các nghề, làng nghề trên địa bàn như mây tre đan Bao La, Thủy Lập, bún bánh Ô Sa, mắm ruốc, nem chả, tôm chua...

Toàn huyện đã vận động và hỗ trợ 334 hộ (kế hoạch 598 hộ) xây dựng nhà ở theo Quyết định 48 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo; hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở và các đối tượng chính sách với dư nợ 146,216 tỷ đồng; tiến hành cấp 100% thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 2.669 hộ nghèo gần 1,5 tỷ đồng…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Ngày 30/10, tại hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ 2 (khóa X) đã biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp. Tham dự có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tuyên truyền có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Liên kết để phát triển bền vững

Phát triển kinh tế theo hướng mô hình tổ liên kết (TLK), tổ hợp tác (THT) là cách hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên.

Liên kết để phát triển bền vững
Return to top