ClockThứ Năm, 20/06/2019 17:30

Giá lợn tăng, ngành chức năng khuyến cáo nên duy trì đàn hiện có

TTH.VN - Sau khi công bố dịch tả lợn châu Phi (TLCP) xuất hiện trở lại trên địa bàn, giá lợn hơi giảm đỉnh điểm có nơi chỉ ở mức 22 đến 24 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên trong tuần qua ghi nhận sự tăng trở lại của giá lợn, tại một số địa bàn chưa có dịch, giá lợn hơi đạt mức 40 ngàn đồng/kg.

Một số giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu PhiNhu cầu sử dụng thịt lợn sạch tăng caoBảo vệ đàn lợn từ chăn nuôi sạch

Giá lợn tăng

Sau hơn 1 tháng công bố có dịch, dịch TLCP vẫn diễn biến phức tạp với tốc độ lây lan nhanh. Tính đến ngày 20/6, dịch đã xảy ra trên đàn lợn của 1.974 hộ chăn nuôi, 386 thôn, 82 xã thuộc 8 huyện, thị, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 9.561 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 517.608kg. Các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm soát giết mổ vận chuyển… đang được chính quyền địa phương, thú y, hộ chăn nuôi triển khai.

 Tiêu độc khử trùng lợn trước giết mổ

Cùng với sự xuất hiện của dịch, giá lợn hơi trên địa bàn có xu hướng giảm mạnh, tại một số hộ chăn nuôi, giá lợn được thương lái thu mua có thời điểm chỉ dao động ở mức 22 đến 24 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, trong tuần qua lại ghi nhận sự tăng trở lại của giá lợn.

Trang trại anh Nguyễn Phú Cường, xã Thủy Vân, Hương Thủy đang duy trì tổng đàn trên 230 con, trong đó 20 lợn nái. Từ khi Thủy Vân công bố có dịch, trang trại tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm (kết quả âm tính với dịch TLCP) và cho xuất chuồng 2 lứa với 60 con lợn. Lứa đầu xuất chuồng với mức giá 27 ngàn đồng/kg lợn hơi, tuy nhiên đợt xuất lợn tuần qua giá lợn đạt mức 34 ngàn đồng/kg lợn hơi và giờ đang có xu hướng chững lại.

Khảo sát giá lợn nhập tại lò mổ Bãi Dâu (TP Huế) cũng tăng đạt mức 38 ngàn đồng/kg lợn hơi. So với thời điểm giảm sâu trước đó, giá lợn hơi đã tăng hơn 12 ngàn đồng/kg lợn hơi. Tại địa phương chưa xảy ra dịch như huyện Nam Đông, giá lợn hơi duy trì ở mức cao với 40 ngàn đồng/kg.

Theo lý giải của các hộ chăn nuôi, tùy theo từng địa bàn có dịch hay không dịch, đồng bằng hay vùng núi… mà giá lợn sẽ khác nhau. Như lò mổ Bãi Dâu chủ yếu lợn nhập từ miền Bắc nên giá lợn phụ thuộc vào thị trường miền Bắc cộng với chi phí vận chuyển. Giá lợn tại vùng công bố có dịch sẽ thấp hơn vì sức mua tại những vùng này giảm, những vùng không có dịch giá sẽ nhỉnh hơn do tâm lý người tiêu dùng.

Không nên vội tái đàn

Giá lợn tăng tuy nhiên theo khảo sát, các hộ chăn nuôi vẫn khá thận trọng trong việc tăng và tái đàn.

Trần Công Vũ, huyện Nam Đông chia sẻ, với chúng tôi việc ngăn chặn dịch xâm nhiễm là quan trọng nhất. Trang trại vẫn đang duy trì nguyên tổng đàn, các hoạt động xuất, nhập lợn tạm thời không tiến hành, cả việc vận chuyển thức ăn vào trang trại cũng được kiểm soát chặt.

 Giá lợn tăng trở lại

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, giá lợn tăng nhưng người chăn nuôi không nên vội tái đàn, bởi dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, mầm bệnh vẫn còn lưu hành dẫn tới nguy cơ tái dịch. Người chăn nuôi chỉ nên tiếp tục duy trì đàn hiện có, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ngăn chặn dịch TLCP, bảo vệ đàn lợn của gia đình.

Các hộ chăn nuôi có dịch chưa qua 30 ngày tuyệt đối không được tái đàn. Đối với các ổ bệnh đã xuất hiện, nếu sau 30 ngày không còn bệnh thì người chăn nuôi mới được tái đàn nhưng với quy mô bằng khoảng 10% so với ban đầu để theo dõi, tuyệt đối không được tái đàn ồ ạt. Sau 1 tháng, nếu bệnh không phát sinh mới thực hiện tái đàn tiếp. Quá trình tái đàn phải thận trọng, lựa chọn cơ sở giống uy tín và đảm bảo chất lượng, hạn chế chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ.

So với cuối năm 2018 (đàn lợn 182.000 con) thì nay tổng đàn lợn đã giảm mạnh chỉ còn hơn 150.000 con. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, tổng đàn trên vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu thịt lợn trên địa bàn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ, ngoài 9.561 lợn tiêu hủy, tình trạng e ngại dịch không tái đàn khiến nguồn cung lợn thịt trên địa bàn giảm xuống, tạo điều kiện tăng giá lợn. Giá lợn tăng cũng chứng minh lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm thịt lợn an toàn.

Để tăng thêm lòng tin của người tiêu dùng về nguồn cung thịt lợn đảm bảo, lực lượng thú y và chính quyền các cấp đang nỗ lực ngăn chặn dịch, đồng thời kiểm soát, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh. Hoạt động kiểm soát giết mổ cũng được tăng cường với việc quản lý việc xuất, nhập, hậu kiểm, đóng dấu kiểm dịch lợn sau khi giết mổ.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

Sáng 1/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, TP. Huế; chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt
Đảng ủy Công an tỉnh trao Huy hiệu Đảng cho 2 đảng viên

Chiều 31/10, Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Đại tá Hồ Xuân Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh và Thượng tá Lê Hữu Phước, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp.

Đảng ủy Công an tỉnh trao Huy hiệu Đảng cho 2 đảng viên

TIN MỚI

Đơn vị cung cấp Làm Chủ Cuộc Săn Với Heo Rừng uy tín
Return to top