ClockThứ Sáu, 16/04/2021 20:04

Giá thức ăn tăng, người chăn nuôi gặp khó

TTH.VN - Hiện nay, người chăn nuôi đang lao đao bởi giá thức ăn tăng chóng mặt. Với mức giá như hiện nay, người nuôi đang đứng trước nỗi lo thua lỗ.

Khử mùi hôi chuồng trại từ chế phẩm sinh họcỨng dụng chế phẩm sinh học khử mùi hôi chuồng trạiTiếc cho một điểm dừng chân thơ mộngCần giải pháp chăn nuôi an toàn

Thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến chi phí đầu vào quá lớn

Chi phí đầu tư quá lớn

3 tháng trở lại đây, ông Nguyễn Đình Định (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) đứng ngồi không yên khi giá thức ăn cho gia súc, gia cầm liền tục tăng, thậm chí chạm “đỉnh” trong nhiều năm trở lại đây.

Hơn một thập kỷ trước, ông Định chọn rú cát xã Quảng Vinh để mở trang trại, phát triển kinh tế. Trải qua nhiều thăng trầm với những biến động khác nhau, khi nhiều người “bỏ của chạy lấy người” thì ông Định vẫn gắn bó với rú cát. Dịch bệnh, thiên tai khiến việc chăn nuôi liên tục lao đao. Tình cảnh bây giờ cũng không khá hơn, đàn gà hơn 1.000 con của ông “ngốn” chi phí đầu vào rất lớn.

Từ nhẩm tính sơ của ông Định, giá thức ăn cho gà tăng đến 10.000 đồng/ bao (loại 25kg) đủ thấy sau khi xuất bán, người nuôi chỉ mơ huề vốn. “Tôi nuôi 1.000 con gà. Từ khi nuôi đến lúc xuất bán mất 3-4 tháng. Với mức giá thức ăn ngày càng tăng như hiện nay, trại gà của tôi “ngốn” chi phí đầu vào ít nhất cả trăm triệu đồng bao gồm giống, thức ăn, thuốc men phòng dịch. Trong khi đó, nếu khi xuất bán, giá gà chỉ dừng ở mức 50.000 đồng/kg thì chúng tôi cầm chắc thua lỗ”, ông Định âu lo.

Chưa bao giờ sức ép cho người chăn nuôi lại lớn như lúc này. Bây giờ, bất kể nuôi con gì, chi phí đầu tư đang lớn đến nỗi người dân không thể lấy công bù lỗ. Chăn nuôi lợn đang cũng chịu sức ép đầu tư. Nhiều hộ nuôi vừa gượng dậy sau dịch giờ lại lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Ông Nguyễn Công Tý (huyện Phong Điền) bảo, thức ăn cho lợn chủ yếu là thức ăn công nghiệp, song khi mà giá thành đội lên, ông phải bôn ba khắp nơi để xin cơm thừa canh cặn, đồng thời tận dụng các loại thức ăn hữu cơ. Song, chừng ấy cũng không đủ cho đàn lợn 50 con. “Lợn xuất chuồng phải đạt trọng lượng khoảng 70-80kg. Từ khi nuôi đến khi bán mất đến hơn 2 tạ thức ăn/con (khoảng 3 triệu đồng). Với giá thức ăn như hiện nay, so với bình thường chúng tôi phải đầu tư thêm khoảng 300-400 nghìn đồng/con. Ngoài ra còn chi phí cho con giống, thuốc men, tiêm phòng và cả công chăm sóc”, ông Tý chia sẻ.

Thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng không chỉ là nỗi lo của người dân trên địa bàn tỉnh. Người chăn nuôi cả nước cũng đang lao đao. Hiện nay, ngoài nguồn cung ứng thức ăn hữu cơ có trong dân, thức ăn công nghiệp ở các đại lý chính là nguồn chủ yếu cung cấp cho người chăn nuôi. Bà Trần Thị Vân, một chủ cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi cho biết, giá thức ăn tăng cao là xu thế của thị trường hiện nay, dịch COVID-19 khiến nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao, cước phí vận chuyển hàng hóa cũng tăng nên dẫn đến việc giá thức ăn đội lên. “So với bình thường, giá thức ăn tăng khoảng 20%”, bà Vân nói.

Người chăn nuôi đang liên tiếp gặp khó khăn trong thời gian qua

Tái đàn cầm chừng

Những năm trở lại đây, ngành chăn nuôi gặp khó khăn, Thừa Thiên Huế cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Nếu không tính đến các doanh nghiệp lớn với mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, nhiều trang trại, gia trại “phá sản”. Bây giờ, ngoài giá thức ăn kịch trần thì nguồn giống cho chăn nuôi cũng tăng chóng mặt.

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho biết, mặc dù hiện giá đầu ra chưa giảm nhưng chi phí đầu vào quá cao khiến người nuôi không dám tái đàn bởi sợ thua lỗ. “Lợn giống đến 2 triệu đồng/con cộng với giá thức ăn tăng khiến việc tái đàn gặp khó khăn. Đa số hộ nuôi đều cầm chừng bởi nếu rớt giá đầu ra thì họ thua lỗ nặng, dẫn đến không thể tái sản xuất”, ông Lự cho biết.

Tính riêng về thức ăn chăn nuôi, theo số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), hàng năm ngành nông nghiệp chỉ cung cấp được khoảng 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn để làm nguyên liệu sản xuất. Một số nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi không phải thế mạnh nên Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Cụ thể, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải nhập khẩu 70 - 80% nguyên liệu từ nước ngoài.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y - Nguyễn Văn Hưng cho rằng, thời điểm này và về lâu dài, người nuôi cần chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi bằng cách xây dựng các mô hình phù hợp, như thâm canh trồng cỏ, bắp… đồng thời tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương với những phương thức chế biến phù hợp.

“Giá thức ăn chăn nuôi tăng là xu thế của thị trường cả nước chứ không riêng gì tại Thừa Thiên Huế, để giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi không còn cách nào khác là sử dụng các phương thức truyền thống kết hợp với công nghệ chế biến phù hợp. Nghĩa là tận dụng tất cả các thức ăn xanh sẵn có, về lâu dài cần có chiến lược trồng, sản xuất thức ăn xanh một cách chủ động để không bị phụ thuộc quá lớn vào nguồn thức ăn công nghiệp”, ông Hưng nói.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chế biến nông lâm sản thủy sản tỉnh - Hồ Đăng Khoa, hiện người chăn nuôi chưa thật mặn mà để kết hợp với các doanh nghiệp lớn để thực hiện chuỗi sản xuất. Việc dựa vào một chủ thể lớn sẽ giảm rủi ro đáng kể cho người chăn nuôi. “Không chỉ sản phẩm chăn nuôi mà hầu hết các sản phẩm nông nghiệp, việc liên kết sản xuất và tham gia vào chuỗi không những làm tăng giá trị sản phẩm mà còn tạo nên tính bền vững. Đối chiếu với thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay, đó là giải pháp hữu hiệu để người nuôi hạn chế rủi ro về sự tác động của thị trường”, ông Khoa phân tích.

Bài, ảnh: L. Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông

TIN MỚI

Return to top