ClockThứ Bảy, 24/04/2021 06:45

Giải pháp nào để ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả?

TTH - Phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, chính quyền địa phương, người dân và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ là một trong những giải pháp để ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả - theo ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.

Đối trọng cần để giữ rừngKiểm tra thông tin rừng Tùng Ta Lăng bị chặt pháPhát hiện rừng ở A Lưới bị đốn hạ

Ông Nguyễn Hữu Huy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh

Về các vụ vi phạm rừng gần đây ở xã Hồng Thủy (A Lưới) mà Báo Thừa Thiên Huế ngày 17/4/2021 đã thông tin, ông Nguyễn Hữu Huy thừa nhận:  Các vụ phá rừng xảy ra trong thời gian gần đây thuộc tiểu khu 256, xã Hồng Thủy (A Lưới) là điều đáng tiếc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR). Tuy nhiên, rừng bị xâm hại chủ yếu là trạng thái rừng phục hồi, chức năng rừng sản xuất.

Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục thẩm tra, xác minh trách nhiệm cũng như đối tượng xâm hại và sẽ có kết luận chính thức trong thời gian sớm nhất.

Thưa ông, rừng tại khu vực xã Hồng Thủy, vùng giáp ranh thời gian qua được quản lý, bảo vệ như thế nào?Vì sao rừng vùng này lại liên tục bị tàn phá?

Đây là khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, địa hình hiểm trở. Trong nhiều năm qua vẫn thường xảy ra các vụ khai thác gỗ nhỏ lẻ tại các khu vực rừng đã giao cho các nhóm cộng đồng quản lý.

Việc các nhóm người từ Quảng Bình vào khai thác gỗ rất khó kiểm soát, lúc thì khai thác trên địa bàn huyện A Lưới, lúc thì khai thác địa bàn tỉnh Quảng Trị, thuộc các vùng giáp ranh. Chúng thường sử dụng các phương tiện xe hết niên hạn sử dụng, xe biển số giả để vận chuyển và rất manh động, tìm mọi mánh khóe đối phó lực lượng kiểm lâm,  chống người thi hành công vụ.

Điều này cho thấy, tình hình khai thác gỗ diễn ra hết sức phức tạp, nhiều thách thức, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, khó quán xuyến. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một vấn đề, có một vài thời điểm, các lực lượng chức năng, chủ rừng vẫn còn sơ hở, chưa nêu cao cảnh giác.

Ngành chức năng đã có những phản ứng gì khi rừng ở A Lưới bị xâm hại?

Sau khi nhận được báo cáo của HKL huyện A Lưới về các vụ phá rừng, CCKL nhiều lần làm việc với UBND huyện A Lưới, các xã Hồng Vân, Hồng Thủy và lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn nhằm phối hợp, tăng cường các biện pháp xử lý. CCKL yêu cầu HKL huyện A Lưới đưa khu vực này vào diện quản lý điểm nóng.

HKL huyện A Lưới đã ký kết quy chế phối hợp với Đồn Biên phòng Hồng Vân, HKL huyện Đakrong - Quảng Trị và đã thực hiện các phương án phối hợp tuần tra, truy quét tại khu vực rừng giáp ranh khe Đakrong.

Trong kế hoạch tăng cường công tác BVR đầu năm 2021, lực lượng kiểm lâm gồm HKL huyện A Lưới, Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR số 1 và Phòng Thanh tra Pháp chế của CCKL đã duy trì quân số giám sát tối đa khu vực này, xử lý 8 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, thu giữ 13,921 mét khối gỗ các loại, xử phạt hành chính 60 triệu đồng. Trong số này có vụ Công an huyện A Lưới bắt 2,378 mét khối gỗ tại đường dân sinh xã Hồng Thủy, có cả gỗ từ tỉnh Quảng Trị chở vào địa bàn tỉnh theo đường Hồ Chí Minh. Tại địa bàn xã Hồng Thủy, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cũng đã phối hợp với HKL huyện A Lưới bắt giữ 5,422 mét khối gỗ các loại.

Thực tế là dù đã có nhiều biện pháp nhưng rừng vẫn bị xâm hại. Theo ông, cần có những giải pháp nào để ngăn chặn nạn phá rừng hiệu quả hơn?

Những năm 2015, 2016 tồn tại các tụ điểm khai thác tại các tiểu khu rừng giàu trữ lượng gỗ quý ở thượng nguồn Hữu Trạch, Tả Trạch, sông Bồ. Từ năm 2017 đến nay, nhờ triển khai mạnh phương án phối hợp giữa  kiểm lâm, chủ rừng nên cơ bản kiểm soát được tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Tại các tuyến huyết mạch ở thượng nguồn Tả Trạch, Hữu Trạch, thủy điện Bình Điền, sông Bồ, đường 71, đường 74 đều có lực lượng phối hợp chốt giữ 24/24 giờ tại vị trí “yết hầu”. Lực lượng kiểm lâm và BVR của các chủ rừng cũng được tăng cường. Các vụ vi phạm, phá rừng nhờ đó tuy vẫn còn xảy ra nhưng giảm dần qua các năm.

Để rừng được bảo vệ tốt hơn, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ban ngành, chính quyền địa phương, người dân và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ. 

Đặc biệt, vai trò của người dân rất quan trọng. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia công tác BVR, báo tin, tố giác tội phạm khi phát hiện các vụ việc, hoặc nghi có hành vi phá rừng nhằm ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh đó, kiến nghị, phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, thống kê các đối tượng trong và ngoài địa phương có các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để có biện pháp đấu tranh, ngặn chặn kịp thời.

Riêng khu vực xã Hồng Thủy, thưa ông?

Hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai lực lượng kiểm lâm phối hợp với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương, cùng các chủ rừng thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ khu vực rừng thuộc xã Hồng Thủy, cũng như các vùng được đưa vào diện điểm nóng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện duy trì chế độ giao ban, trao đổi thông tin, đặc biệt thực hiện các đợt tuần tra, truy quét định kỳ và đột xuất tại các khu vực có nguy cơ phá rừng.

Sở Nông nghiệp và PTNT, CCKL tổ chức làm việc với các ngành, cơ quan liên quan để xác định trách nhiệm của từng đơn vị và trách nhiệm phối hợp, thực hiện chế độ báo cáo, thông tin kịp thời các vụ việc nhằm quản lý chặt chẽ tài nguyên rừng tại khu vực rừng A Lưới nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Triều Phúc (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc

Mặc dù môi trường du lịch Huế ngày càng được cải thiện nhưng thi thoảng những vụ việc “chặt chém” khách về giá lại làm cho du lịch Huế “mang tiếng xấu”. Tuyên truyền và có chế tài xử phạt là điều cần làm, nhưng để hiệu quả, cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi một người dân, du khách.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách Cùng vào cuộc
Nỗ lực ngăn chặn nạn “rút ruột” rú cát

Quảng Điền có diện tích rú cát rộng lớn thuộc các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên “béo bở” mà một số kẻ vẫn luôn tìm cách “rút ruột”.

Nỗ lực ngăn chặn nạn “rút ruột” rú cát
Ngăn chặn ma túy trong vùng giáo dân

Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, việc xây dựng mô hình “Phòng chống ma túy trong vùng giáo dân” được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội (TNXH), giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngăn chặn ma túy trong vùng giáo dân
Return to top