ClockThứ Bảy, 17/04/2021 14:23

Phát hiện rừng ở A Lưới bị đốn hạ

TTH - Tận dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của cơ quan chức năng, lâm tặc lén lút vào tận rừng sâu, đốn hạ những cây gỗ lớn, xẻ thành từng phách gỗ nằm ngổn ngang, một số đã vận chuyển khỏi hiện trường.

Rừng A Lưới tiếp tục bị phá

Nhiều phách gỗ sau khi bị đốn hạ được chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn bìa gỗ

Khai thác rải rác trong thời gian dài

Dưới sự dẫn đường của người dân bản địa, vượt tầm chục cây số bằng đường bộ, núi rừng quanh co, hiểm trở đến vài giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được các vị trí rừng bị tàn phá. Đập vào mắt chúng tôi là những cây rừng gỗ lớn tự nhiên đã bị đốn hạ, một số đã cưa xẻ thành từng phách, có những phách gỗ đã di chuyển ra khỏi hiện trường. Trong số đó, có những cây đốn ngã khá lâu, trong vòng một năm, cũng có những cây vừa mới đốn hạ.

Người dẫn đường và người dân bản địa bảo, họ nghe tiếng máy cưa vọng ra từ rừng sâu trong thời gian dài, nhưng nghĩ rằng các hộ dân khai thác, thu hoạch gỗ rừng trồng.

Ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện A Lưới thông tin, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, HKL đã có chuyến kiểm tra hiện trường trong các ngày 14-15/4. Tại nơi vị trí rừng bị tàn phá, HKL huyện A Lưới thừa nhận, đây là những cánh rừng do HKL, xã Hồng Thủy và một số hộ dân quản lý, bảo vệ.

Thực tế những gì mà chúng tôi cũng như người dân nhìn thấy, phản ánh là đúng sự thật. Khu vực rừng bị tác động, tàn phá tại lô 1, 2, khoảnh 12 và lô 18, khoảnh 8, tiểu khu 256 thuộc địa phận xã Hồng Thủy. Đây là những cánh rừng phục hồi, rừng sản xuất, do UBND xã Hồng Thủy quản lý và tổ chức giao khoán cho nhóm hộ do ông ông Nguyễn Văn Sỹ ở thôn Pa Ây, xã Hồng Thủy chủ nhóm bảo vệ và hưởng lợi.

Tại khu vực kiểm tra khác, HKL huyện A Lưới phát hiện 5 gốc cây tự nhiên bị chặt hạ, đường kính từ 45- 60 cm gồm các chủng loại gỗ bạng, phò lái, xoan, đều không thuộc nhóm gỗ nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, có 4 gốc đã được Trạm Kiểm lâm địa bàn Hồng Trung và UBND xã Hồng Thủy kiểm tra, phát hiện bị đốn hạ vào giữa tháng 3 vừa qua; một gốc còn lại bị khai thác vào khoảng cuối tháng 3/2021.

Một cây gỗ lớn bị đốn hạ, vận chuyển khỏi hiện trường chỉ còn trơ gốc

Tại hiện trường không có dấu hiệu khai thác mới, khu vực khai thác nằm sâu trong rừng tự nhiên, tuyến đường vào hiện trường khai thác là đường mòn, dốc, hiểm trở, không phát hiện dấu vết kéo gỗ, xe cơ giới. Dấu vết còn lại tại hiện trường cho thấy, thời điểm diễn ra khai thác rải rác trong một thời gian dài, phương thức khai thác bằng thủ công, nhỏ lẻ.

Tại lô 1, khoảnh 12, tiểu khu 256 cũng thuộc xã Hồng Thủy, đoàn kiểm tra phát hiện một lán trại đã cũ có dấu hiệu hư hỏng, người dân địa phương tận dụng nơi trú ngụ trong quá trình đi lấy sợi mây. Theo lời kể của người dân địa phương, lán trại được dựng từ tháng 10/2019. Tại đây có một số gốc cây phò lái đường kính 70 cm, chiều dài 12m đã chết, khô không còn giá trị sử dụng. Toàn bộ cây đang nằm tại hiện trường, chưa bị cưa xẻ. Thời gian cây bị chặt hạ vào khoảng đầu năm trước.

Cũng tại lô 1, khoảnh 12, tiểu khu 256, xã Hồng Thủy có 3 lóng cây chủng loại bạng có đường kính từ 45-55 cm, dài 2m. Cả 3 lóng không còn giá trị sử dụng, đang nằm tại hiện trường chưa bị cưa xẻ. Có lóng cây đã mọc mầm, tái sinh. Đoàn kiểm tra nhận định thời gian cây bị chặt hạ vào khoảng đầu năm 2020.

Nhiều phách gỗ chuyển ra khỏi hiện trường

Tại vị trí rừng bị đốn hạ thuộc lô 8, khoảnh 12, tiểu khu 256 thuộc xã Hồng Thủy, các gốc cây bạng đường kính 60 cm, thân cây đã bị cưa xẻ và chuyển khỏi hiện trường. HKL huyện A Lưới đã tiến hành kiểm tra, đánh số vào mặt gốc cây và thân cây vào ngày 15/3/2021. Căn cứ dấu hiệu tại hiện trường, đoàn kiểm tra nhận định, thời gian cây bị chặt hạ vào khoảng đầu tháng 3/2021.

Tại một vị trí rừng tàn phá thuộc lô 11, khoảnh 12, tiểu khu 256, xã Hồng Thủy, các gốc cây phò lái có đường kính 68cm, thân cây bị cưa xẻ và chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn lại các tấm bìa gỗ. HKL huyện A Lưới đã tiến hành kiểm tra và đánh số vào mặt gốc cây và thân cây. Đoàn kiểm tra nhận định thời gian cây bị chặt hạ vào khoảng tháng 1/2021.

Một vị trí rừng khác bị lâm tặc chặt phá thuộc lô 1, khoảnh 12, tiểu khu 256, xã Hồng Thủy có 3 gốc cây phò lái đường kính 40-50 cm, thân cây đã bị cưa xẻ, chuyển khỏi hiện trường. Gốc cây có dấu hiệu mục rửa và mọt rừng. Đoàn kiểm tra của huyện nhận định thời gian cây bị chặt hạ vào khoảng cách đây một năm.

Kiểm tra tại lô 6, khoảnh 14, tiểu khu 256, xã Hồng Thủy cho thấy, gốc cây xoan có đường kính từ 60 cm, thân cây đã bị cưa xẻ và chuyển khỏi hiện trường, chỉ còn lại các tấm gỗ bìa. Theo nhận định của đoàn kiểm tra, thời gian cây bị chặt hạ vào khoảng tháng 3 năm nay.

Ông Ngô Hữu Phước cho rằng, trong khi việc tái sinh, phục hồi rừng tự nhiên đang được tỉnh, các ban ngành quan tâm thì việc để xảy ra các vụ chặt phá rừng là điều đáng tiếc. Trở lực lớn đối với lực lượng kiểm lâm là việc xử lý vi phạm một cách triệt để đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, phần lớn người dân trên địa bản huyện A Lưới là người đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán xây dựng nhà cửa còn phụ thuộc vào vật liệu gỗ rừng tự nhiên. Vì vậy, việc lén lút khai thác gỗ để làm nhà vẫn còn diễn ra.

Địa bàn xã Hồng Thủy giáp ranh với tỉnh Quảng Trị, một số đối tượng lợi dụng vùng giáp ranh để thực hiện hành vi khai thác lâm sản trái phép, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đối với lực lượng chức năng.

Các đối tượng vi phạm phần lớn là người ngoài địa phương nên công tác rà soát đối tượng và nắm bắt thông tin gặp nhiều khó khăn. Vị trí khai thác gỗ nằm sâu trong rừng tự nhiên, địa hình đồi dốc hiểm trở, nhiều lối mòn, gây trở ngại trong công tác truy vết, xác định vị trí khai thác lâm sản trái pháp luật.

Ông Ngô Hữu Phước chia sẻ, thời gian tới, HKL huyện A Lưới tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, tuần tra thường xuyên tại khu vực rừng tự nhiên nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng; rà soát, thống kê các đối tượng trong và ngoài địa phương có các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Bài, ảnh: TRIỀU PHÚC THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

Đó là nội dung của hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại TP. Huế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) phối hợp tổ chức, thông qua dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản-mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) và CSRD dự, chỉ đạo hội thảo.

Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản
San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ

Ngày 18/10, Hạt Quản lý đường bộ Bình Điền (Công ty CP Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế) cho biết đã tiến hành lập biên bản xác lập vụ việc, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với một hộ dân trên địa bàn.

San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ
Return to top