Mô hình trồng lúa chất lượng cao
Nhiều mô hình giảm nghèo
Không chồng con, lại là đối tượng bảo trợ xã hội, bà Hồ Thị Mai Hương (thôn Truyền Nam, xã Phú An, Phú Vang) thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay, chủ yếu sống nhờ vào trợ cấp. Đầu năm nay, bà được hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng. Được hỗ trợ 170 con gà giống, thức ăn, tập huấn kỹ thuật, đàn gà của bà Hương phát triển tốt, cho trứng đều giúp bà tăng thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Bà Hương vui mừng: “Đau ốm liên miên, trước giờ tôi không biết làm chi để kiếm sống. Chừ được Nhà nước hỗ trợ mô hình này, tôi mừng lắm khi tự mình có thể làm ra tiền, không nhiều nhưng cũng giúp tôi cải thiện cuộc sống vốn nhiều thiếu thốn”.
Ở xã Phú An, từ tháng 9/2017 đến 3/2018, có 10 hộ nghèo được chọn hỗ trợ mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng. Được hỗ trợ con giống, thức ăn, lại được tập huấn kỹ thuật giúp người dân nghèo cải thiện đời sống. Ông Phan Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho hay: “Mô hình được khảo sát từ nhu cầu của địa phương nên việc hỗ trợ cho người nghèo đúng trọng tâm. Trong số 10 hộ được hỗ trợ, có 3 hộ đã thoát nghèo. Nhờ nhiều mô hình hỗ trợ khác nữa, Phú An giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12% vào năm 2015 xuống còn 5,19% vào cuối năm 2017”.
Ở huyện miền núi A Lưới, chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững đã xây dựng nhiều mô hình trồng cây cao su, cà phê, chuối, nuôi bò, dê… tạo nguồn thu nhập cao cho đồng bào. Ðồng bào dân tộc được Nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón và hướng dẫn cách chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Từ đó, không ít hộ nghèo đã vươn lên làm giàu, lãi ròng từ vài chục đến 100 triệu đồng/năm.
Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững khác đã được triển khai trên toàn tỉnh, như: nuôi lợn thịt, nuôi gà Ai Cập lấy trứng, trồng rau sạch theo hướng hữu cơ, nuôi bò nhốt chuồng, nuôi cá, trồng nấm… giúp bà con phát triển sản xuất, tạo động lực thoát nghèo. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 17.662 hộ nghèo (tỷ lệ 5,98%) và 15.429 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,22%). Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh có hơn 2.900 hộ nghèo thoát nghèo thành công trong năm 2017 (giảm 1,2% so với năm 2016).
Hỗ trợ kèm điều kiện thoát nghèo
Tổng vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 là hơn 68,8 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… Đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,98% xuống còn 4,92% trong năm 2018, toàn tỉnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ngoài hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo được triển khai. Trong đó, chú trọng tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền chia sẻ, cách làm của Phong Điền là không đầu tư, hỗ trợ dàn trải, mà ưu tiên cho những hộ có khả năng thoát nghèo hàng năm, kể cả vay vốn, hỗ trợ các mô hình sinh kế. Ngoài nguồn hỗ trợ của trung ương và địa phương, mỗi năm, huyện Phong Điền dành khoảng 1 tỷ đồng cho người nghèo vay, đồng thời tập trung cho công tác đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, triển khai các mô hình nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi gia trại, trang trại, lúa hữu cơ… Nhờ thế, năm 2017, Phong Điền có 300 hộ thoát nghèo.
Hướng đến giảm nghèo bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo, việc hỗ trợ hộ nghèo được thực hiện theo phương châm “Trao cần câu chứ không cho con cá”. Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, nếu trước đây, việc hỗ trợ hộ nghèo là cho không, thì nay việc hỗ trợ có điều kiện sẽ giúp hộ nghèo nắm vững công nghệ, kỹ thuật, đồng vốn để thoát nghèo.
Bà Nguyệt nhấn mạnh: “Ngoài những hộ nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội, mất sức lao động, các mô hình giảm nghèo đều hỗ trợ kèm các điều kiện. Người nghèo được tiếp cận các nguồn lực, tự quyết định việc làm tùy thuộc vào năng lực, điều kiện của từng gia đình. Nếu bà con cần kỹ năng sẽ được trang bị kỹ năng, hộ nào có tư liệu sản xuất, lao động, đất đai sẽ xem xét hỗ trợ những mặt còn thiếu phù hợp với các chương trình giảm nghèo của tỉnh. Quan trọng là giúp bà con thay đổi suy nghĩ, bỏ tư tưởng ỷ lại, có ý thức vươn lên để trợ giúp của Nhà nước là đòn bẩy, động lực để họ thoát nghèo chứ không phải là kế mưu sinh. Đây là lựa chọn tối ưu để thoát nghèo bền vững”.
Bài, ảnh: NGUYỆT TÚ