Mùa vàng
Từ lưỡng lự đến thích thú
Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh (Thủy Thanh, Hương Thủy) nói, cuộc đời người làm lúa “sướng” nhất là tìm được cây lúa phù hợp chân đất, cho năng suất sản lượng cao và cuối cùng là xây dựng được thương hiệu cho cây lúa quê nhà.
Mấy chục năm trồng “hạt ngọc của trời”, ông Thạnh cùng các xã viên đã tìm được giống lúa mà giờ đây được xem là cứu cánh của xã viên HTX. Đó là giống J02 (Nhật Bản). Nói là “tìm được” nghe thì dễ, nhưng kỳ thực là một quá trình “thai nghén” với bao vất vả của xã viên trên đồng ruộng.
Năm 2016, từ nguồn giống của Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh, HTX đưa vào sản xuất vụ đầu tiên với diện tích 10ha các giống J02, KH1, NH6 với 40 xã viên tham gia. Được HTX hỗ trợ 30% kinh phí giống và cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn quy trình chăm sóc nhưng bà con nông dân giai đoạn đó còn băn khoăn. Thậm chí có xã viên còn “nói thẳng”: Giống lúa truyền thống nông dân tuyển chọn nhiều đời còn “chưa ăn thua” huống chi là mấy cái giống mới? Không chống chịu được, gặp sâu bệnh, đổ ngã thì ai chịu trách nhiệm?”.
Gạo đặc sản làm từ giống J02 của HTX NN Thủy Thanh
Ông Phùng Hữu Thạnh nhớ lại: “Nghe bà con nói căng thế mình cũng lo, nhưng rồi cũng quyết tâm làm. Mình quyết tâm là bởi mình làm cho xã viên. Làm nông lấy công làm lãi, nếu không chọn được giống cây năng suất, sản lượng cao, có tính hàng hóa thì cứ “lẹt đẹt” mãi không thôi”.
Sau thời gian sinh trưởng trong sự hồi hộp của cán bộ HTX, pha lẫn lo toan của bà con xã viên, 10 ha giống mới cũng đã chín trĩu vàng trên đồng ruộng. Có ruộng đối chứng, bà con nông dân kết luận: Trong 3 giống lúa đưa vào trồng thử thì giống J02 có đặc tính vượt trội với thân cây thấp chống đổ ngã tốt, ché hạt dày và đặc biệt là giá cả: làm không kịp mà bán.
Ông Trần Duy Lập (Thanh Thủy, Thủy Thanh), một xã viên tham gia khảo nghiệm nhớ lại: Kết quả thu hoạch năng suất giống J02 đạt 3,7 tạ/sào, với giá thóc khô giai đoạn 2016 khoảng 7,2-7,5 nghìn đồng/kg, cho thu nhập cao hơn giống truyền thống Khang Dân 18 khoảng 700-750 nghìn đồng/sào. Giai đoạn hiện nay, giống J02 đã đạt 8,6 nghìn đồng/kg thóc khô. Thương lái lùng mua ngay tại chân ruộng. Bình quân 1 sào người dân thu gần 2,8 triệu đồng nghìn, lãi hơn 1 triệu đồng so với Khang Dân 18. Giống J02 tỷ lệ gạo xay ra đạt 75% (trong khi các giống khác chỉ 65%), cho phép bảo quản sử dụng trong thời gian hơn 6 tháng.
Có được giống lúa mới “ưng ý”, HTX NN Thủy Thanh đưa vào sản xuất đại trà với diện tích trong vụ đông xuân 120 ha (trên tổng diện tích 300 ha toàn HTX) với 1.200 hộ xã viên tham gia. HTX cũng đã xây dựng và đăng ký thương hiệu “Gạo thơm Thủy Thanh”, trong đó có gạo từ giống lúa Nhật Bản J02. Mặt hàng có bao bì mẫu mã đã bắt đầu có mặt siêu thị trong ngoài tỉnh.
“HTX đang quy hoạch vùng lúa hữu cơ, sản xuất chủ yếu giống J02 trên diện tích khoảng 10ha. Cùng với xây dựng hạ tầng cho vùng sản xuất tập trung này, sẽ áp dụng quy trình sản xuất lúa “sạch” dùng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học… nhằm tạo thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa cho loại nông sản này”, ông Thanh cho biết thêm.
Giống mới cho từng chân đất
Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét đã buộc nhiều HTX cũng như ngành nông nghiệp phải tăng cường công tác khảo nghiệm để tìm ra nhiều giống lúa mới phù hợp cho từng chân đất, từng địa phương.
HTX NN Đông Phú (Quảng An, Quảng Điền) không còn giữ thế “độc canh” giống lúa 4B dù vẫn mang lại giá trị kinh tế đáng kể cho hàng trăm xã viên. Giống 4B sản lượng cao, tinh bột nhiều nhưng không có được đặc tính thơm, ngon dần không còn phù hợp với thị trường.
Từ nhiều năm nay, HTX NN Đông Phú dần đưa vào khảo nghiệm nhiều giống lúa mới như: VNR20, ST24, J02, HG12, Đại Thơm 8, QN9. Quá trình tuyển chọn qua hai vụ đông xuân và hè thu, HTX và bà con nông dân quyết giữ lại các giống HG12, QN9, J02 đưa vào sản xuất đại trà khoảng 20 ha. HTX tiến hành hỗ trợ 100% giống cho xã viên và sẵn sàng “bồi hoàn” khi vụ lúa với giống mới không đạt năng suất.
“Qua một vài vụ lúa vừa qua, với năng suất bình quân các giống lúa mới đạt 3,8 tạ/sào, giá thóc khô 7,5-8 nghìn đồng/kg với đầu ra khá ổn định, chống đổ ngã đã cho thấy triển vọng hàng hóa của những giống lúa này”, ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX NN Đông Phú, đánh giá.
Mới đây, tại hội nghị đầu bờ đánh giá khảo nghiệm diện hẹp các giống lúa mới vụ đông xuân 2019 - 2020, qua đánh giá thực tế tại đồng ruộng, Sở NN&PTNT yêu cầu Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh tiếp tục bố trí khảo nghiệm diện hẹp 8 giống lúa trong vụ hè thu 2020, gồm nhóm ngắn ngày năng suất (3 giống): HG22, HG203, HG233; nhóm ngắn ngày chất lượng (gồm 5 giống): HG235, HG241, HG244, HG246, HG259 và thu thập thêm một số giống lúa có triển vọng để đưa vào khảo nghiệm cùng với các giống này.
Sở NN&PTNT giao cho Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh thực hiện theo hình thức chỉ định thầu và đề nghị khảo nghiệm diện rộng các giống lúa HG12, HG191 ở các vùng, địa phương tùy theo khả năng sản xuất, cung ứng, kinh doanh… của công ty.
Ngoài ra, sở cũng yêu cầu Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn địa điểm triển khai sản xuất thử giống lúa có triển vọng HG12 đã qua khảo nghiệm diện rộng trên cơ sở thống nhất đề nghị của các địa phương; sau khi chọn, thống nhất với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và tổ chức triển khai thực hiện trong vụ hè thu 2020.
Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương căn cứ vào từng điều kiện để có kế hoạch sản xuất thử giống có triển vọng HG12, sản xuất mở rộng giống KH1 (ĐT100) đã được Sở NN&PTNT đưa vào cơ cấu giống; lưu ý chỉ bố trí giống này ở các vùng đất tốt, thâm canh, sâu bùn và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân sản xuất thử và tích cực chỉ đạo các HTX NN làm tốt công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với các giống lúa mới này.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN - NGUYỄN KHOA HUY