|
Mệ Thú chụp ảnh với tác giả bên ngôi nhà của mình
|
Phước Tích có 117 nóc nhà với 327 khẩu thì 245 người ở độ tuổi 60 trở lên, trong đó 31 người từ 80 đến 104 tuổi. Vốn có truyền thống hiếu học, đa số con em trong làng trưởng thành đi dạy và theo nghề y nên hầu hết phải lập nghiệp ở xa. Phước Tích không có ruộng, chuyện làm gốm còn ở thời kỳ khôi phục, chưa thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn ở đây. Hai loại sản vật phù hợp của địa phương là quả vả và hoa phượng mai thì cho nguồn kinh tế quá thấp. Một vài nhà từng sống bằng nghề làm bún và tráng bánh ướt, nhưng thưa dần vì nhân lực không còn. Không có điều kiện để giữ chân thế hệ trẻ, nhưng người già ở đây ít ai theo con mà bỏ nhà, bỏ làng. Họ xem việc giữ gìn nóc nhà lưu truyền đời này sang đời khác là quan trọng nhất. Ở Phước Tích có nhiều cụ già cứ thui thủi một mình trong ngôi nhà cổ, họ sống bằng tài trợ của con cái, lương hưu và trợ cấp của Nhà nước, lấy việc nhang khói cho tổ tiên làm niềm vui. Từ đường đi, ngõ hẻm đến sân vườn, sân đình, nhà thờ họ ở Phước Tích luôn sạch sẽ, cây cối được chăm sóc cẩn thận, mỗi loại cây đều có gắn biển bằng tiếng Việt và tiếng Anh để giới thiệu cho du khách khi đến thăm làng.
|
Lò gốm ở Phước Tích
|
Chúng tôi tìm đến nhà cụ bà Lương Thị Á Qua, người già nhất làng, đã 104 tuổi nên cụ không còn đủ minh mẫn tiếp chúng tôi. Mãi đến cuối làng, chúng tôi mới gặp được cựu giáo chức Lê Trọng Đào, năm nay 71 tuổi. Thầy Đào có 4 người con thì cả 4 theo nghiệp cha, trong đó 2 người công tác ở xa. Thầy trả lời như đinh đóng cột khi chúng tôi hỏi về sự gắn bó của thầy với làng cổ: “Người làng chúng tôi có phong tục sống ở Cồn Dương, thác về Hà Cát nên không lo người giữ nhà”. Nói rồi, thầy chỉ tay qua bên kia bờ sông Ô Lâu, nơi gọi là Hà Cát. Thì ra người dân Phước Tích có quy định ai qua đời cũng đưa sang bên kia sông để chôn cất. Trong làng chỉ có một ngôi mộ của ngài khai canh. Thầy Đào giải thích thêm: “Chính nhờ phong tục đó mà trong tâm thức mỗi người dân Phước Tích dù đi đâu cũng hướng về quê nhà”. Thầy Đào sống trong căn nhà rường 3 gian 2 chái được cha mẹ tạo lập đến nay cũng gần trăm năm. Thầy từng dạy học ở Huế, rồi Quảng Ngãi nhưng nghĩ mình là con trai phải có nghĩa vụ “nam tử từ đường” nên quyết định về quê lập nghiệp.
Ngôi nhà 3 gian 2 chái của mệ Trương Công Thị Thú được xây dựng hơn 100 năm, mọi thứ vẫn giữ nguyên và được lau chùi sạch bóng. Mệ Thú năm nay 86 tuổi, sống một mình; buổi tối, người con trai ở Mỹ Chánh về ngủ với mẹ để đề phòng bất trắc. Mệ Thú kể, nhà mệ có tới 12 anh chị em, người thì hy sinh trong kháng chiến, người đi làm ăn xa, cháu nội cháu ngoại của thân phụ mệ nhiều lắm, nhưng không ai về quê sống. Cũng là người từng tham gia hoạt động cách mạng, mệ Thú lấy chồng rồi ở Quảng Trị, năm 1952 thấy ngôi nhà của cha mẹ không ai trông, mệ vận động chồng trở về quê rồi gắn bó đến ngày nay. Chung hẻm với mệ Thú có nhà mệ Phương năm nay đã ngoài 70 tuổi. Cũng như mệ Thú, mệ Phương sống một mình trong căn nhà rường trải qua nhiều thế hệ sinh sống. Mệ tâm sự: “Sống như ri con cái ở xa lo lắng lắm, biết là tội tụi hắn, nhưng tui nghĩ, để giữ ngôi nhà từ đường khổ một chút cũng đáng.”. Hay mệ Lương Thanh Thị Hén, năm nay 96 tuổi, không chịu theo con vào TP. Hồ Chí Minh mà cương quyết ở lại quê hương để giữ ngôi nhà cổ đã chào đón 5 thế hệ, bằng nguồn trợ cấp ít ỏi của con cái và vườn cây.
Tuy tuổi đã cao, nhưng hàng ngày các mệ vẫn rủ nhau đi chợ, tự nấu nướng, công việc chính là sáng sớm và tối đến lo nhang khói cho tổ tiên, thi thoảng ra vườn xem có mớ vả hay bó hoa để đem ra chợ bán dù chẳng được mấy tiền. Khi không có gì làm lại sang nhà hàng xóm cùng nhau kể đi kể lại những câu chuyện xưa… Thế nhưng, các mệ tìm được niềm vui từ công việc, nhiều khi sân vườn đã sạch, nhưng họ vẫn cầm chổi lia đi lia lại trên cái bóng của mình. Ngoài những người cùng tâm huyết giữ hồn cho làng cổ trong chòm xóm, các mệ còn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Với tư cách là trưởng thôn, ông Minh khẳng định: “Tuy các mệ sống trong nhà của họ, nhưng đó cũng là sự cống hiến cho làng cổ nên cần quan tâm chăm sóc các mệ nhiều hơn.”.
Trong tâm thức mỗi người dân Phước Tích, ngôi nhà cổ của họ chính là thánh địa để đời này nối đời khác gìn giữ, trân trọng. Vì thế, từ rất lâu người làng chẳng ai bán nhà. Trong số 37 ngôi nhà rường hiện có ở Phước Tích thì 8 nhà không có người ở, nhưng chủ nhà vẫn nhờ người quét dọn, nhang khói. Được xếp vào hạng di sản của tỉnh, Phước Tích nhận được nhiều nguồn tài trợ từ các tổ chức như: Chương trình mục tiêu quốc gia, Vương quốc Bỉ, tổ chức Jica của Nhật Bản… Nhưng, để có một làng cổ Phước Tích hôm nay nổi tiếng cả nước và thế giới là nhờ ý thức “truyền tử lưu tôn” trong tâm thức mỗi người dân nơi đây. Họ trân trọng những giá trị văn hóa trong ngôi nhà mà tổ tiên để lại, chứ không cần lệ thuộc, chờ đợi các nguồn kinh phí. Nhiều người dù ở xa, có điều kiện lại gửi tiền về sửa chữa nhà như nhà mệ Hồ Thị Thanh Nga, người con trai ở TP Hồ Chí Minh năm 2013 đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để sửa sang lại ngôi nhà rường 3 gian 2 chái. Cái khó trong bảo tồn nhà cổ ở Phước Tích là chống mối mọt, nên mong muốn của người dân là được Nhà nước tài trợ thuốc diệt mối để họ tự bảo vệ.
Chia tay với Phước Tích, lời nói của mệ Thú ghi vào tâm khảm chúng tôi: “Nhà mình dù được xếp vào hạng di sản, nhưng hư mô thì mình sửa nấy chứ không ngồi đợi kinh phí, Nhà nước còn lo nhiều việc lắm, nào xóa đói giảm nghèo, nào phòng chống bão lụt… mình bảo vệ ngôi nhà là bảo vệ được truyền thống của dòng họ mình mà.”. Điều đó giúp chúng tôi hiểu được, muốn giữ gìn những giá trị cổ truyền thì phải phát huy được sức mạnh nội tại, đó là ý thức của từng người dân. Tuy nhiên, nếu được sự quan tâm của các ngành hữu quan thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn.