ClockThứ Hai, 01/04/2019 08:54

Góp sức phòng chống dịch tả lợn châu Phi

TTH - Cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế đang triển khai giải pháp đồng hành cùng các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Quy hoạch điểm chôn hủy lợn bệnh: Phải tính ngay từ đầuPhát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kếtChôn hủy thêm 38 con lợn rừng

Giữa tháng 3/2019, Khoa Chăn nuôi Thú y - Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy triển khai tiêu độc khử trùng tại các khu vực có nguy cơ nhiễm DTLCP cao như lò mổ, chợ bán sản phẩm động vật, các cơ sở chăn nuôi và đường làng, ngõ xóm, khu vực có chăn nuôi lợn mật độ dày. Số lượng hóa chất Benkocid và Iodine phun và cấp phát hơn 250 lít.

Sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế tham gia tiêu độc khử trùng tại các khu vực ở thị xã Hương Thủy

PGS.TS. Nguyễn Xuân Bả, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y chia sẻ, từ khi nghe có dịch vào các tỉnh phía Bắc, khoa xác định đây là dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi và giải pháp quan trọng là ngăn không cho dịch lây lan đến từng địa phương và từng trang trại.

Trong bối cảnh các tổ chức chuyên môn ở các địa phương, nhất là các huyện, xã còn hạn chế về nguồn nhân lực, Ban chủ nhiệm khoa chủ động liên lạc với Chi cục trưởng Chi cục Thú y các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định để nắm nhu cầu, sẵn sàng phối hợp.

Mang lại những bài học trong đào tạo

Đại diện Khoa Chăn nuôi Thú y cho biết, thông qua hoạt động phòng chống dịch, bên cạnh việc đóng góp cho xã hội còn mang lại những bài học tốt cho cả thầy và trò về công tác phòng dịch từ xa. Trước khi tham gia, sinh viên được tập huấn kiến thức. Lực lượng sinh viên được cử đến các điểm chốt chặn để tham gia phun độc khử trùng là sinh viên đang học về bệnh truyền nhiễm, có cơ hội để bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng thực tế.

“Việc cấp bách là ngăn các yếu tố mang mầm bệnh từ nơi có dịch (phương tiện, con người) nên cần khử trùng, diệt trùng xung quanh và trong khu vực chăn nuôi để ngăn chặn mầm bệnh. Hoạt động này cần nguồn nhân lực lớn và chúng tôi sẵn sàng góp sức”, đại diện Khoa Chăn nuôi Thú y nói.

Hiện, Khoa Chăn nuôi Thú y triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng các địa phương phòng chống dịch, nhất là tham gia cùng các chi cục ở các điểm chốt chặn, điểm xung yếu để tiêu độc, phun độc khử trùng. Đội ngũ chuyên gia của khoa tham gia lấy mẫu bệnh phẩm khi có yêu cầu.

“Trong trường hợp khẩn cấp, cần nguồn nhân lực lớn, khoa có thể tạm cho nghỉ học vài ngày, huy động cán bộ, sinh viên vào cuộc. Chúng tôi có thể đáp ứng khoảng 1.000 sinh viên (năm 2 trở lên) cùng vào cuộc để chống dịch khi các địa phương cần”, PGS.TS. Nguyễn Xuân Bả khẳng định.

Quá trình phòng, chống dịch được lồng ghép khâu tuyên truyền để người dân vào cuộc trong công tác chống dịch, phổ biến để họ hiểu, không tẩy chay thịt lợn và khi có lợn chết phải báo để tiêu hủy.

Nguyễn Ngọc Hải, sinh viên năm cuối Khoa Chăn nuôi Thú y chia sẻ, quá trình đi từng khu vực, từng nhà để phun độc khử trùng và tuyên truyền vận động, người dân rất ủng hộ. Các hộ nuôi lợn an tâm khi được chia sẻ thông tin liên quan đến dịch bệnh.

Ông Nguyễn Khai, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy đánh giá: “Công tác phòng chống dịch cần triển khai nhanh chóng và vận động hiệu quả. Sự góp sức của Khoa Chăn nuôi Thú y góp phần hỗ trợ các địa phương, nhất là tuyên truyền vận động người dân hiểu hơn về tình hình dịch bệnh”.

Sắp tới, Khoa Chăn nuôi Thú y giao cho Câu lạc bộ Một sức khỏe (thuộc khoa) làm việc với một số trường học để gặp gỡ, tuyên truyền, chuyển tải đầy đủ và chính xác thông tin về DTLCP thông qua các hình ảnh, băng rôn, tờ rơi để học sinh và người thân hiểu về dịch bệnh, nguy cơ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và cách ứng xử phù hợp.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng, chống tội phạm trộm cắp, cướp giật dịp cuối năm

Theo Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an TP. Huế, dự báo những tháng cuối năm nay và đầu năm 2025 tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng; đặc biệt là tội phạm trộm cắp, cướp giật do người dân thường có tâm lý chủ quan và lo toan làm ăn, buôn bán dịp lễ, tết.

Phòng, chống tội phạm trộm cắp, cướp giật dịp cuối năm
Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về phòng chống ma túy

Thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, Bộ Công an đã đấu tranh, bắt giữ hơn 76,6 nghìn vụ, với hơn 115,8 nghìn đối tượng, cùng hơn 12,7 nghìn kg ma túy các loại. Tình hình ma túy ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng tăng mạnh cả về nguồn cung và nguồn cầu, là thách thức không nhỏ đối với công tác phòng chống ma túy ở nước ta.

Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về phòng chống ma túy
Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh

TIN MỚI

Đơn vị cung cấp Làm Chủ Cuộc Săn Với Heo Rừng uy tín
Return to top