Điểm chôn hủy lợn dịch tại xã Phong Sơn đảm bảo an toàn
Ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn (Phong Điền) thừa nhận: “DTLCP là loại dịch bệnh mới lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn xã cũng như toàn tỉnh nên khi phát hiện, chính quyền địa phương lúng túng trong việc tìm địa điểm chôn hủy phù hợp. Sau khi báo cáo với cấp trên, ngành thú y về hướng dẫn mới đưa lợn đi chôn hủy đảm bảo an toàn, không để dịch lây lan trên diện rộng. Từ đó, địa phương bước đầu đã tích lũy một số kinh nghiệm trong việc xử lý, chôn hủy lợn dịch”.
Đến thời điểm này, ngoài hai ổ DTLCP tại xã Phong Sơn buộc phải chôn hủy hơn 50 con lợn, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm các ổ dịch mới. Tuy nhiên DTLCP đang diễn biến phức tạp, nguy cơ khó lường. Ngành thú y phối hợp với các địa phương đang hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch với quy mô trên toàn địa bàn tỉnh. Công tác vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn sống, sản phẩm thịt lợn được kiểm soát chặt chẽ. Các trang trại, gia trại, kể cả các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng được tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên…
Phương tiện vận chuyển đi chôn hủy phải đảm bảo an toàn
Theo nhận định của ngành thú y, DTLCP có thể tái bùng phát, xuất hiện thêm các ổ dịch mới bất cứ lúc nào. Do đó, việc quy hoạch điểm chôn hủy lợn dịch cần được tính toán ngay từ đầu nhằm kịp thời xử lý ngay sau khi phát hiện ổ dịch.
Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh yêu cầu, các địa phương phải chủ động triển khai quy hoạch điểm chôn hủy lợn bệnh với khoảng cách hợp lý, theo quy định của cơ quan chức năng. Quá trình chôn hủy phải tuân thủ sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh, hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch. Trước khi chôn hủy phải làm chết động vật bằng điện hoặc phương pháp khác.
Trong trường hợp lợn bị dịch được tiêu hủy bằng cách thiêu đốt thì cần phải đốt bằng lò chuyên dụng, hoặc đốt thủ công bằng cách đào hố rồi cho bao chứa xác động vật, sản phẩm động vật vào hố và đốt bằng củi, than, rơm, rạ, xăng, dầu..., sau đó lấp đất và nện chặt.
Đường làng, ngõ xóm cũng được tiêu độc khử trùng (tại Phong Sơn)
Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch thì xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển đến nơi chôn hủy. Đối với lợn có trọng lượng lớn, không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon, hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển.
Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật đi tiêu hủy phải có sàn kín để không làm rơi vãi các chất thải trên đường. Trước khi vận chuyển và sau khi chôn hủy lợn bệnh, các phương tiện phải được tiêu độc vệ sinh, khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
Theo ông Sửu, hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích; chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ). Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn. Theo quy định, bình quân 1 tấn động vật thì hố chôn cần đảm bảo độ sâu 1,5 - 2m, rộng 1,5 - 2m, dài 1,5 - 2m.
Sau khi đào hố phải rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 1 kg vôi/m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt. Khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao chứa phải dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy. Các hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực.
Chính quyền địa phương cũng phải quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại UBND xã.
Bài, ảnh: Hoàng Triều