ClockThứ Bảy, 14/05/2016 05:22

Hạn chế rủi ro cho tôm nuôi

TTH - Thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài, cộng với nguồn nước bị ô nhiễm… khiến tôm nuôi xảy ra dịch bệnh. Dự báo thời tiết phức tạp vẫn còn kéo dài khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Xả nước ngọt cứu cá

Chăm sóc tôm trên cát

“Tiến thoái lưỡng nan”

“Vào vụ mà không thả nuôi thì làm sao “gỡ gạc” nợ nần, nhưng thả nuôi thì nguy cơ rủi ro, thiệt hại khó lường, “tiến thoái lưỡng nan”. Từ ngày xuống giống đến nay hơn chừng một tháng, phát hiện tôm phát triển chậm và chết rải rác. Có thời điểm, mỗi hồ vớt vài chục ký tôm chết”, anh Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải (Phong Điền) lo lắng.

Anh Đăng cũng như nhiều hộ nuôi tôm trên cát chưa xác định nguyên nhân cụ thể tôm nuôi dịch bệnh, chết. Bà con cho rằng, nguyên nhân ban đầu có thể do nhiệt độ nguồn nước trong ao hồ quá cao nên tôm nuôi chậm phát triển, thiếu sức đề kháng, dễ xảy ra dịch bệnh. Các loại bệnh chủ yếu là đốm trắng, đầu vàng… hiện chưa có các loại thuốc đặc trị. Ông Hồ Quỳnh ở xã Phong Hải (thuê hồ nuôi tôm ở vùng cát Ngũ Điền) chia sẻ: “Các biện pháp hạn chế nguy cơ dịch bệnh trên tôm chân trắng chủ yếu là phòng ngừa. Còn khi tôm đã xảy ra dịch bệnh thì rất khó “vớt vát”, chấp nhận thiệt hại, thua lỗ”.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải Phan Khánh nhận định, tình trạng ô nhiễm môi trường, cộng với thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài có thể là nguyên nhân chính khiến tôm chậm phát triển và dịch bệnh. Chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo người dân nên thận trọng, cất nhắc trước khi thả nuôi vụ này. Các hộ đã thả nuôi tuyệt đối không chủ quan, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, quy trình kỹ thuật nuôi tôm trên cát.

Cán bộ kiểm tra tôm

Điều kiện thời tiết và môi trường hiện nay cũng khiến tôm nuôi ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các huyện Phú Vang, Quảng Điền bị dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Chương, một hộ có diện tích nuôi xen ghép khá lớn ở xã Quảng Công (Quảng Điền) mấy ngày nay đứng ngồi không yên. Với khoảng 3.000m2 hồ nuôi xen ghép tôm - cua - cá đã có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh, chết rải rác. Không chỉ tôm mà cả các loại cá nuôi tại hồ ông Chương và một số ao nuôi tại địa phương có hiện tượng dịch bệnh.

Hạn chế dịch, bảo vệ thủy sản

Thạc sĩ Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho hay, từ khi phát hiện tôm có dấu hiệu dịch bệnh, các ban ngành cử cán bộ thường xuyên bám địa bàn, cơ sở nắm thông tin, tình hình và hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa, xử lý dịch bệnh.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 ha tôm nuôi ở các vùng đầm phá và trên cát bị dịch bệnh. Các loại bệnh chủ yếu là đầu vàng, taura, gan tụy, trong đó đốm trắng chiếm phần lớn diện tích.

ng Trần Quốc Sửu cho rằng, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời điểm này chủ yếu phụ thuộc vào ý thức và sự chủ động của người dân. Bà con cần ý thức, chấp hành tốt các quy định, quy trình kỹ thuật nuôi trồng. Khi phát hiện tôm dịch bệnh phải khai báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý, xét nghiệm bệnh phẩm, không được giấu dịch. Trường hợp tôm bị các loại bệnh nguy hiểm như đốm trắng, taura, đầu vàng, gan tụy… cần phải xử lý các loại hóa chất theo quy định, không được xả thải trực tiếp ra môi trường. Tôm bị dịch bệnh không được chế biến làm thức ăn cho người và gia súc gia cầm. Khoanh vùng dịch, ao hồ bị dịch và rải vôi quanh các khu vực ao nuôi, bờ ao… cũng cần phải lưu ý

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh khuyến cáo, với những hồ tôm có thể thu hoạch được thì nên khẩn trương thu hoạch nhằm tránh rủi ro. Sau khi thu hoạch phải xử lý nước trong hồ bằng các loại thuốc theo quy định, sau một tuần đến mười ngày mới xả thải nước ra môi trường. Trước khi thả nuôi lại, ao hồ phải được phơi, xử lý các khâu kỹ thuật, cải tạo ao hồ và vệ sinh các loại dụng cụ phục vụ nuôi tôm… Đối với các ao hồ chưa xảy ra dịch bệnh, hoặc chưa thả nuôi cần chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh ao nuôi, bón vôi. Con giống thả nuôi phải được kiểm dịch, xét nghiệm bằng máy PCR và chọn mua giống tại các cơ sở có uy tín,  chất lượng. Quá trình nuôi đảm bảo các yếu tố về ô xi, nồng độ PH, chất lượng nước… và không được sử dụng các loại chất cấm, các loại thuốc thú y quá hạn…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rủi ro trên công trường xây dựng

Hình ảnh nhiều thợ xây cheo leo trên giàn giáo để làm việc mà không có đồ bảo hộ lao động vẫn diễn ra tại nhiều công trình xây dựng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động và những hậu quả khó lường.

Rủi ro trên công trường xây dựng
Nhựa đang xâm nhập vào não người: Cần báo động toàn cầu

Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, vi nhựa đang tích tụ trong các cơ quan quan trọng của con người, bao gồm cả não, khiến các nhà nghiên cứu kêu gọi hành động cấp bách hơn để hạn chế ô nhiễm nhựa. Điều này được đưa ra khi các nghiên cứu đã phát hiện ra những mảnh nhựa vỡ và hạt nhựa nhỏ trong phổi, nhau thai, cơ quan sinh sản, gan, thận, khớp gối và khuỷu tay, mạch máu, cũng như tủy xương của con người.

Nhựa đang xâm nhập vào não người Cần báo động toàn cầu
Return to top