Chết hàng loạt
Cá chết được người dân Vinh Hưng vớt đưa lên thuyền
Ông Huỳnh Huynh ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc) cho biết, thời tiết diễn biến phức tạp, đột ngột và khó lường khiến cá nuôi không thể thích nghi, dẫn tới tình trạng chết hàng loạt. Các lồng cá nuôi của ông Huynh bị chết, mất trắng hoàn toàn, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng, bà Hoàng Thị Thuận thông tin, trên địa bàn xã có 252 lồng cá dìa, nâu, hồng, hanh, chẽm của 62 hộ nuôi tại vùng Cồn Cột bị chết hoàn toàn với số lượng khoảng 14 tấn. Cá nuôi đến nay đều hơn 4 tháng, kích cỡ bình quân 7 con/kg, ước giá trị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Trong số 62 hộ có nhiều hộ nuôi cá lồng như Huỳnh Phước, Trần Cầu, Nguyễn Thâm, Nguyễn Tuấn, Huỳnh Song, Nguyễn Thị Mơ, Nguyễn Thị Rạng, Huỳnh Phượng, Huỳnh Tiến… bị chết, thiệt hại hoàn toàn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông cho biết, năm nay toàn huyện thả nuôi 1.005 ha thủy sản nước lợ, 305 ha thuỷ sản nước ngọt, 4.300 lồng cá. Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt liên tiếp với nền nhiệt độ phổ biến lên đến 37-38 độ C, xen kẽ các đợt mưa giông làm các yếu tố môi trường thay đổi, gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sản nuôi. Nhất là các ao nuôi có độ sâu mặt nước thấp, các lồng cá có mật độ nuôi cao, không thông thoáng.
Bất thường so với các năm trước
Để kịp thời ứng phó với các điều kiện bất lợi của thời tiết, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đối với nuôi trồng thủy sản, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng các xã, thị trấn, HTX hỗ trợ người dân các biện pháp bảo vệ thuỷ sản nuôi, hạn chế mức độ thiệt hại. Theo đó, các địa phương, người dân tổ chức cải tạo, khơi thông hệ thống kênh cấp, thoát nước, đảm bảo chất lượng, đủ nước, đặc biệt các vùng nuôi trồng tập trung.
Người dân tăng cường kiểm tra, chăm sóc, cho thuỷ sản ăn đảm bảo đủ chất, hàm lượng phù hợp, bổ sung dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng. Đồng thời tổ chức thu tỉa các đối tượng đã đạt kích cỡ thương phẩm để giảm mật độ nuôi, hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại. Quá trình nuôi thường xuyên tăng thời gian sử dụng quạt nước trong ao nuôi, dự phòng máy phát điện để chủ động khi có sự cố về điện. Đối với nuôi cá lồng, cần tổ chức treo túi vôi, giảm mật độ, đảm bảo khoảng cách giữa các lồng nuôi, tạo môi trường thông thoáng; kết hợp chủ động che lưới để giảm nắng nóng và chuẩn bị các điều kiện để xử lý khi có sự cố bất lợi xảy ra.
Người dân Vinh Hưng thu hoạch cá bán để hạn chế nguy cơ thiệt hại
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh thông tin, thời gian qua, tại vùng đầm phá, nuôi trồng thuỷ sản ở xã Vinh Hưng và một số nơi xảy ra hiện tượng nhiều khí độc làm tôm, cá dễ bị bệnh và chết đột ngột như cá nâu, kình, dìa… nuôi lồng và cá tự nhiên như bống, ong căn, cá hanh… Nhiệt độ cao nhưng nhiều điểm trên vùng đầm phá lại bị ngọt hóa sâu như tại Tân Lập, thị trấn Sịa (Quảng Điền), cồn Hạt Châu, phường Thuận An (TP. Huế), Đình Đôi, xã Vinh Hưng (Phú Lộc) là những bất thường so với các năm trước đây.
Nhiệt độ cao cùng tảo phát triển mạnh và nhanh tàn lụi làm tiêu hao ôxy trong nước rất lớn vào ban đêm, làm hàm lượng ôxy giảm thấp vào sáng sớm gây hiện tượng thiếu hụt ôxy và cá nổi đầu, giảm ăn. Nhiệt độ cao kết hợp với sự tồn tại của nhiều khí độc là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… Chi cục Thuỷ sản tỉnh khuyến cáo người nuôi cần theo dõi và chăm sóc tích cực, tăng lưu thông nguồn nước để phục hồi các tình trạng bất thường của đối tượng nuôi...
Tại điểm cấp nước vùng nuôi trồng thủy sản cồn Hạt Châu - phường Thuận An và thôn Viễn Trình, thị trấn Phú Đa (Phú Vang), một số chỉ tiêu môi vượt 1,2 - 2 lần ngưỡng giới hạn cho phép. Do đó cần lưu ý khi cấp nước vào các ao nuôi trồng thủy sản phải chọn thời điểm lúc thủy triều lên cao nhất, lấy nước qua túi lọc, có ao xử lý lắng và có thể xử lý vôi, thuốc tím với nồng độ thấp trước khi cấp vào ao nuôi…
Các hộ nuôi cần duy trì mực nước trong ao từ 1,2 - 1,5 m, tích cực tạo ôxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm ban đêm và sáng sớm. Những nơi có điều kiện thay nước có thể thay từ 15-20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa. Đồng thời kết hợp bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng đề đáng và cho ăn với hàm lượng, thời điểm một cách hợp lý…
Bài, ảnh: Hoàng Tưởng