Chị Nguyễn Thị Nhiên ở xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) cho biết, lũ ngập tràn trên những cánh đồng sắn làm cho củ sắn ngâm nước bị thối, hư hỏng nặng. Ngay sau lũ, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, nông dân tranh thủ huy động người nhà và thuê người để tiến hành nhổ sắn bán cho thương lái thu mua để nhập cho Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế.
Tại xã Phong Bình, ông Trần Văn Đước - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “ Diện tích sắn trên địa bàn xã trồng hơn 40ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 30 ha sắn, tranh thủ thời tiết tạnh ráo bà con nông dân đang tích cực ra đồng thu hoạch sắn, được biết một số diện tích sắn được người mua thu gom từ khâu thu hoạch để nhập cho nhà máy tinh bột sắn ”.
Hiện, các thương lái đã đến trực tiếp các cánh đồng sắn để thu mua cho nông dân với giá từ 1.200-1.500 đồng/kg. Vụ sắn năm nay, toàn huyện Phong Điền đưa vào gieo trồng 1.204ha.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo, thời vụ thu hoạch sắn trùng với mùa mưa lũ nên người dân cần theo dõi diễn biến của thời tiết để có những phương án thu hoạch diện tích sắn hợp lý. Để hạn chế thiệt hại do ngập úng, người trồng sắn nên đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với nhưng diện tích đã “đúng” tuổi.
Những hình ảnh thu hoạch sắn tại Phong Điền:
Nhiều diện tích sắn ngập úng sau mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy
Sắn ngâm nước có chiều hướng thối củ. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy
Nông dân vội vã nhổ sắn. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy
Nông dân Phong Điền phải dùng thuyền vận chuyển sắn... Ảnh: Văn Bốn
...Huy động nhân lực đưa sắn ra khỏi đồng ruộng. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy
Dùng xe cơ giới vận chuyển sắn. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy
Ngoài vùng ngập, nông dân Phong Điền cũng thu hoạch diện tích sắn ở vùng đất cao. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy
Vụ sắn này nông dân Phong Điền gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Bốn
Giá sắn hiện nay khá rẻ: chỉ từ 1.200 - 1500 đồng/kg sắn tươi. Ảnh: Nguyễn Khoa Huy
Chuyển sắn lên xe tải trước khi bán cho Nhà máy Tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế. Ảnh: Văn Bốn
Nguyễn Khoa Huy - Văn Bốn (Thực hiện)