Cây chuối già lùn không chỉ cho thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân xã Hồng Bắc và cả huyện A Lưới
Hiện ở xã Hồng Bắc, điều mà nhiều người dễ nhận thấy nhất là, nhiều mô hình làm kinh tế không chỉ cho thu nhập ổn định, mà tạo công ăn, việc làm cho người dân nơi đây.
Anh Lê Tấn Thọ, dân tộc Pa Cô, một trong những người làm ăn kinh tế có hiệu quả ở xã Hồng Bắc chia sẻ, hiện trong vườn nhà, anh trồng 2ha cây chuối già lùn. Năm nay, trung bình mỗi cây chuối thu hoạch trên dưới 30kg quả cho thu nhập ổn định.
“Chuối già lùn sản lượng và chất lượng hơn hẳn những loại chuối khác, nên người dân xã Hồng Bắc trồng rất nhiều, trong đó có gia đình tôi”, anh Lê Tấn Thọ tâm sự.
Thực tế thời gian qua cho thấy, không chỉ ở Hồng Bắc mà toàn huyện A Lưới, cây chuối già lùn là loại cây giúp nhiều hộ dân địa phương xóa nghèo. Năm nay, nhiều người dân trồng chuối có thu nhập khá nhờ chuối được mùa, được giá, chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng lựa chọn.
Để xây dựng thương hiệu chuối A Lưới, đồng thời khắc phục tình trạng thoái hóa giống, góp phần nâng cao năng suất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới đang triển khai trồng 3ha chuối già lùn tại xã Hồng Bắc theo phương pháp cấy mô.
“Phương pháp cấy mô sẽ đảm bảo nguồn giống tại chỗ, hạn chế sâu bệnh, qua đó tạo ra những vườn chuối chất lượng, năng suất cao, hướng đến thương hiệu chuối A Lưới”, ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới trao đổi.
Không chỉ cây chuối già lùn, hiện ở Hồng Bắc, nuôi lợn mán thả vườn là mô hình mới bước đầu mang lại giá trị kinh tế và là xã đầu tiên của huyện A Lưới đưa mô hình này vào thử nghiệm.
Theo kế hoạch, sâm Bố Chính và cà gai leo là 2 loại cây trồng mới cũng sẽ được sở, ngành của tỉnh đưa vào canh tác trên đồng ruộng xã Hồng Bắc trong thời gian tới.
Hồng Bắc là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế với nhiều mô hình mới. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị xã Hồng Bắc cần phát huy, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện; nhân rộng mô hình cây trồng, vật nuôi mới, cây trồng chủ lực để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đội ngũ cấp ủy, bí thư cơ sở không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm, vì người dân phục vụ; lấy nhu cầu của người dân để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ họ vươn lên thoát nghèo.
Trước mắt, ưu tiên tập trung cho các mô hình thu nhập ngắn ngày; sau khi ổn định mô hình cần phát triển, nhân rộng ra cho các xã trong toàn huyện. Tuy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhưng giải pháp mà cấp ủy, chính quyền địa phương xã Hồng Bắc đặt ra là, tăng cường cán bộ, đảng viên về cơ sở, cùng với đội ngũ cốt cán của xã và thôn để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thoát nghèo bền vững.
Hộ nghèo nào thiếu vấn đề gì dẫn đến nghèo đều được ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững xã tập trung tìm cách tháo gỡ để đạt tiêu chí giảm nghèo. Đồng thời, lấy những gương điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn xã để các hộ nghèo lấy đó học và làm theo.
“Từ khi triển khai phương án với những giải pháp giảm nghèo bền vững theo từng hộ gia đình, địa chỉ cụ thể, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân trong xã Hồng Bắc đã thay đổi. Nhiều hộ dân đã tích cực hơn trong chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình”, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Bắc Hồ Thị Thanh Nhàn khẳng định.
Bài, ảnh: Anh Phong