Người dân chăm sóc thủy sản
Đặc ân từ dòng sông Bồ và đầm phá Tam Giang rộng lớn, huyện Quảng Điền có nhiều lợi thế trong NTTS nước lợ và nước ngọt. Nhiều hộ dân ven sông, đầm phá đã thoát được nghèo, có cơ hội khá giả nhờ nuôi tôm, cá kết hợp trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công chia sẻ, NTTS trên đầm phá Tam Giang là nghề chính đối với nhiều hộ dân. Tuy nhiên, từ khi ao nuôi phát triển ồ ạt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn thấp, vùng đầm phá nhiều lúc bị ô nhiễm dẫn đến thủy sản dịch bệnh. NTTS vì thế một thời gặp nhiều khó khăn.
Gỡ khó về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, ông Chương và một bộ phận người dân địa phương chuyển sang nuôi xen ghép, hoặc nuôi chuyên tôm với mật độ thấp. Mô hình này đã phát huy hiệu quả khi thủy sản ít xảy ra dịch bệnh, năng suất, sản lượng không lớn như chuyên canh nhưng bền vững, thu nhập ổn định.
Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Nguyễn Hữu Truyền thông tin, khó khăn lớn đối với các hộ nuôi thủy sản hiện nay là chất lượng sản phẩm chưa cao, đầu ra thường bấp bênh, giá thấp nên hiệu quả sản xuất chưa tương xứng. Vậy nên, việc từng bước chuyển đổi sang mô hình NTTS theo chuỗi giá trị là mục tiêu hướng đến của địa phương và người dân. Địa phương cũng đã kết nối, làm việc với một số đơn vị, doanh nghiệp liên kết với người dân trong NTTS.
Bà Trần Thị Thanh Nhã cho rằng, muốn làm được mô hình theo chuỗi giá trị, trước hết phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Gần đây, ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân đưa các loại đối lượng thủy sản có giá trị kinh tế vào nuôi mang lại hiệu quả, như mú, hồng, nâu, dìa, chình, tôm, cua… Huyện đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho các loại cá nuôi trên đầm phá Tam Giang; đồng thời kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ, hướng đến xây dựng mô hình NTTS theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đầu ra ổn định.
Hiện nay, một số doanh nghiệp, như Công ty CP. Việt Nam sẵn sàng liên kết với người dân triển khai mô hình NTTS theo chuỗi giá trị. Các công ty có trách nhiệm cung ứng nguồn giống, thức ăn chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nuôi tôm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên sản phẩm tạo ra phải đảm bảo an toàn, chất lượng, đạt kích cỡ theo yêu cầu.
Để tạo mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, ngành nông nghiệp huyện cùng các địa phương đang tập trung vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật NTTS đảm bảo chất lượng. Người dân từng bước chuyển đổi phương thức nuôi tự phát, truyền thống sang mô hình nuôi an toàn sinh học. Quá trình nuôi hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng, kháng sinh… mà hướng đến sử dụng chế phẩm sinh học và các biện pháp tạo sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo kích cỡ quy định.
Đến thời điểm này, diện tích nuôi thủy sản toàn huyện Quảng Điền khoảng 725,5 ha. Đến nay, hầu hết diện tích đang được thu tỉa, một số đã hoàn thành thu hoạch vụ 1, đang thả nuôi vụ 2. Sản lượng thu được khoảng 180 tấn tôm, cua, cá các loại. Ngoài ra, toàn huyện thả nuôi 134,6 ha ao, hồ nước ngọt; trên 1.000 lồng cá nuôi trên sông Bồ và phá Tam Giang.
Bài, ảnh: ĐÌNH LÂN