ClockThứ Bảy, 07/01/2017 13:51

Khổ vì trang trại nuôi heo

TTH - Hàng chục hộ dân ở xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) nhiều tháng nay phải chịu đựng mùi hôi do phân heo theo nước mưa chảy ra môi trường. Không chỉ ảnh hưởng đời sống người dân, nuôi heo trên vùng rú cát ven biển đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm biển.

 

Người dân lãnh đủ

Trang trại nuôi lợn thịt được quy hoạch lên đến 10ha, với nhiều dãy nhà khá quy mô nằm trên vùng rú cát thuộc thôn 10, 11 của xã Điền Hòa. Hiện, trang trại do HTX NN Điền Hòa phối hợp cùng Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam xây dựng đã đưa vào thả nuôi khoảng 1.000 con heo từ đầu năm 2016.

Người dân sống vùng giáp ranh thuộc thôn 10 và 11 cho biết, từ khi trang trại đi vào chăn nuôi đến nay, họ phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm bởi mùi hôi thối do phân heo theo nước mưa chảy ra môi trường tự nhiên. Tình trạng ô nhiễm càng nặng nề hơn vào thời điểm mưa lớn vào cuối tháng 12/2016  vừa qua. Nước thải và phân heo của trang trại theo nước mưa tràn ra môi trường, chảy dọc con khe dẫn từ thượng nguồn ra các hộ dân và dẫn ra biển.

Ông Trần Dược, một hộ dân ở thôn 10 cho biết: “Nếu trời nắng thì khu trại heo bốc mùi kinh khủng theo gió thổi về. Trời mưa thì phân theo nước mưa chảy ra môi trường dày đặc. Sống như ri người dân chúng tôi rất lo lắng về bệnh tật”. Việc xây dựng trang trại heo ở vùng rú cát cao không đảm bảo vệ sinh không chỉ ảnh hưởng đến khu dân cư mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm biển. “Trong những ngày mưa lớn vừa qua, phân heo tràn ra các ao, hồ, khe suối quanh vùng. Bà con đã phản ánh lên UBND xã. Cán bộ UBND xã có về kiểm tra nhưng chưa biết giải quyết thế nào”, bà Trần Thị Điểu, một hộ dân có nhà cách khu trại chừng 300m bức xúc.

Khu trang trại lợn còn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho điểm Trường tiểu học Điền Hòa. Điểm trường này chỉ cách khu trại chừng 150m, nơi thường có khoảng 70 em học sinh khối tiểu học theo học. Ông Hồ Tịnh, Trưởng thôn 11, xã Điền Hòa cho hay: “Nhiều tháng nay, cô giáo, các em học sinh ở điểm trường tiểu học này phải chịu cảnh ô nhiễm. Sau các trận mưa lớn, cả cô trò mỗi lúc dạy phải mang khẩu trang vì không chịu được mùi hôi thối”. Theo ông Tịnh, hai thôn 10, 11 có khoảng 200 hộ dân, trong đó có khoảng 15 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ trại heo.

Chờ khắc phục

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, trang trại heo do HTX NN Điền Hòa kết hợp với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam thành lập theo phương thức công ty này cung ứng thức ăn, kỹ thuật và tiến hành bao tiêu sản phẩm cho trang trại. Việc thành lập trang trại nhằm giải quyết lao động, tạo nguồn thu cho địa phương sau sự cố môi trường biển. Theo thiết kế dự án, khu trang trại sẽ đưa vào thả nuôi quy mô khoảng 2.000 heo thịt, đến nay mới thả nuôi khoảng 1.000 con.

“Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT về cơ sở kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường và hướng dẫn trang trại cách khắc phục sự cố cũng như triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường trong khu vực chăn nuôi”, ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin.

“Trang trại xây dựng theo mô hình khép kín, có hệ thống thu gom nước thải, hầm bioga với mức đầu tư đến nay đã hơn 2 tỷ đồng. Trước khi xây dựng, HTX có thuê đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo tác động môi trường đầy đủ. Tuy nhiên, trận mưa lớn vừa qua đã làm 1 trong 3 hầm bioga bị xói lở, vỡ hầm dẫn đến phân theo nước mưa tràn ra môi trường, gây ô nhiễm cho các hộ dân”, ông Phúc cho biết thêm.

Theo ông Phúc, ngay sau khi xảy ra hiện tượng ô nhiễm, chính quyền địa phương đã mời đại diện trang trại lên làm việc, yêu cầu huy động xe cơ giới, nhân lực khắc phục, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm và xem xét thiết kế của các hầm chứa. “Trang trại được quy hoạch xây dựng ở vùng cao so với khu dân cư nằm sát biển là vì trước đây, khu vực này gần như không có hiện tượng nước chảy ra các mương tự nhiên. Chỉ trong tháng 12 vừa qua do mưa lớn mới xảy ra hiện tượng nước chảy tràn, làm xói lở hầm chứa, gây ô nhiễm”, ông Phúc nói.

Ông Văn Công Mậu, Giám đốc HTX NN Điền Hòa thừa nhận tình trạng ô nhiễm do mùi hôi và việc tràn phân ra môi tường ở khu vực thôn 10 và 11. Ông Mậu cho biết, đơn vị đang huy động máy móc sửa chữa lại hệ thống hầm bị xói lở, hỏng hóc và xử lý lại toàn bộ các hầm nước thải còn lại. “Do thời điểm hiện nay đang chuẩn bị bước vào vụ xuất heo bán nên dự kiến, thời tiết tuần tới nắng ráo sẽ xử lý xong”, ông Mậu khẳng định.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Giữ gìn môi trường sạch đẹp

Huế đã có thương hiệu thành phố xanh, môi trường sống sạch, đẹp là điều không chỉ người dân sở tại mà du khách, những người xa quê trở về đã nhận định, thán phục. Kết quả đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh", còn đến từ ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Những thay đổi nhỏ từ lối sống hằng ngày như đi chợ bằng giỏ, đựng thực phẩm trong hộp, dùng túi đựng, ống hút, ly uống nước... bằng giấy, hội viên phụ nữ TP. Huế đang góp phần giảm rác thải nhựa, túi ni lông ra môi trường. Đồng thời, lan tỏa phong trào sống xanh, góp phần chung tay vì một Huế - đô thị giảm nhựa.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường
“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
Return to top