Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp
Hội thảo đã chỉ ra những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay xung quanh vấn đề thực phẩm bẩn. Cụ thể, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 126.000 trường hợp bị ung thư và trên 94.000 người tử vong do ung thư. Trong đó, có 30% số ca ung thư có nguyên nhân do thực phẩm bẩn. Hậu quả của thực phẩm bẩn gây ra cho con người là rất nặng nề. Nó không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng của hàng triệu người dân, mà còn gây tác hại đến giống nòi, kinh tế, chính trị xã hội.
Trồng rau trong nhà lưới ở Trường Đại học Nông Lâm
Trong khi đó, người nông dân vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát... Nhiều mô hình rau sản xuất theo hướng an toàn chưa tách bạch, chưa được khẳng định giá trị... Từ đó, tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường về nhu cầu sử dụng rau sạch, nguồn gốc thực phẩm.
Các đại biểu tham dự lắng nghe những chia sẻ của các "Star-up" xoay quanh nội dung về khởi nghiệp bằng sản phẩm thủy canh nông nghiệp thông minh Hachi. Đại diện Công ty CP Vietnam Silicon Valey Accelerator và Công ty CP Công nghệ cao Hachi Việt Nam đã giới thiệu về một số giải pháp công nghệ xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường do đơn vị xây dựng. Đồng thời chia sẻ về lợi ích của sản phẩm, công nghệ mà Hachi đang ứng dụng.
Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty Công ty CP Công nghệ cao Hachi Việt Nam cho biết: "Đến nay, Hachi đã chuyển giao cho 10 đơn vị trong cả nước. Tại Thừa Thiên Huế, Hachi liên kết với Trường Đại học Nông Lâm xây dựng mô hình trồng rau thủy canh phục vụ mục đích giảng dạy. Đơn vị cũng đang tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác lâu dài với các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn"...
Cần tạo mối liên kết
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệm
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh thông tin, trên địa bàn có 18 cơ sở sản xuất nông sản trong nhà màng với diện tích gần 14.000m2. Trong đó, có 2 cơ sở thực hiện khá bài bản là: mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Trương Như Hải (phường Thủy Biểu, TP. Huế) và nông trại Thảo Vy tại thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Thừa Thiên Huế khá khó khăn. Ngành nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% GDP cả tỉnh; khí hậu tại Thừa Thiên Huế khá bất lợi, khó phát triển, quy hoạch những vùng nông nghiệp công nghệ cao... Thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quan trọng là các bạn trẻ cần có ý thức khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng được chiến lược thị trường gắn với xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn. Có như thế mới, mới tạo nên những chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế chia sẻ: Hằng năm, trường đều phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ một số địa phương về kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trường cũng có đội ngũ nhà nghiên cứu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Vì thế, việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ rất cần thiết.
Cũng theo ông Cường, nhắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là rau sạch, người ta nghĩ ngay đến Đà Lạt. Trong khi Thừa Thiên Huế cũng có thế mạnh về nông nghiệp nhưng chưa có nhiều chuyển biến, vì thế, việc bắt tay tìm kiếm các nhà đầu tư tâm huyết với nông nghiệp rất quan trọng. Tuy nhiên, để những mô hình nông nghiệp công nghệ cao này được nhân rộng và khẳng định đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa 4 nhà, đồng thời các nhà đầu tư phải xây dựng chiến lược xây dựng thương hiệu theo hướng an toàn, hữu cơ.
Bài, ảnh: Hoàng Loan