ClockThứ Hai, 26/04/2021 13:59

Khuyến nông giai đoạn 2021-2025: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

TTH - Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình khuyến nông tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Mang nông nghiệp hữu cơ lên vùng caoTập trung hỗ trợ các sản phẩm làng nghề và OCOP

Mô hình nuôi cá trên vùng cửa sông, cửa biển ở các địa phương cho thu nhập cao

Đa dạng hóa mô hình

Theo Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh, năm 2020, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đơn vị triển khai các mô hình khuyến nông trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, từ trồng trọt đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đạt hiệu quả kinh tế khá cao ở các địa phương.

Ông Hoàng Văn Đông (Hạ Lang, Quảng Phú, Quảng Điền) cho biết, tham gia nuôi cá lồng trên khu vực sông Bồ nhiều năm nay, dù đây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đã triển khai nuôi đại trà nhiều năm nhưng rủi ro mùa vụ do thời tiết, thủy điện… rất cao do thời gian nuôi kéo dài.

Năm 2020, để giúp nhiều nông dân chăn nuôi cá giảm rủi ro, mô hình chăn nuôi cá lồng an toàn trên sông Bồ được triển khai với quy mô 280m2 (70 m2/hộ) tại xã Quảng Phú (Quảng Điền) và Hương Xuân (Hương Trà).

Sau hơn 6 tháng nuôi, trọng lượng bình quân đạt 2,65kg/con, tỷ lệ sống đạt 85%, sản lượng hơn 5 tấn cá, năng suất bình quân đạt 18kg/m2. Giá bán bình quân 90-100 nghìn đồng/kg, tăng 25-30% so với giá cá trắm cỏ ngoài mô hình với lợi nhuận bình quân đạt gần 29 triệu đồng/hộ.

Thời điểm tháng 10/2020, do ảnh hưởng của mưa lũ, lượng phù sa về nhiều đã ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cá. Tuy nhiên, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ nuôi tăng cường máy sục khí để cung cấp ô xy cho cá, di chuyển lồng nuôi cùng với nhiều giải pháp kỹ thuật khác đã giúp mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao, chăn nuôi “vượt” được mưa lũ.

Một trong những “điểm nhấn” hoạt động hiệu quả từ nguồn vốn khuyến nông là mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững tại rừng ngập mặn xã Hương Phong (Hương Trà). Sau 4 tháng nuôi, tôm sú và cua đạt kích cỡ thương phẩm, các hộ dân tham gia mô hình đã tiến hành thu tỉa với tỷ lệ sống tôm 53% và cua 52%. Trọng lượng bình quân của tôm sú đạt 25g/con, cua 305g/con với sản lượng tôn đạt khoảng 1.100 kg, cua đạt 628kg. Từ những kết quả bước đầu, các hộ dân tham gia mô hình đã phát triển thêm mô hình nuôi cá đối đạt kích cỡ thương phẩm với trọng lượng 300g/con, tỷ lệ sống 51%, sản lượng đạt 612kg. Lợi nhuận mô hình mang lại từ 28-31 triệu đồng/hộ.

Mô hình nuôi gà lai lông màu được thực hiện tại 2 xã Điền Môn và Điền Hương (Phong Điền) với 1.000 con được thả nuôi của 20 hộ dân tham gia cũng đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Sau thời gian nuôi 105 ngày, tỷ lệ nuôi sống đạt 94.8%. Trọng lượng gà xuất bán bình quân đạt 1,88kg/con. Giá bán 70 nghìn đồng/kg, cao hơn 5-10 nghìn đồng so với các giống gà lai nuôi trang trại, thu nhập bình quân đạt 1,6 triệu đồng/hộ, những hộ nuôi tốt đạt 1,9 triệu đồng/hộ.

Hơn 123 tỷ đồng cho khuyến nông

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 673/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dự kiến kinh phí thực hiện chương trình hơn 123 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn của khuyến nông Trung ương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; kinh phí thực hiện chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa; ngân sách địa phương và kinh phí đóng góp của các DN, HTX, các tổ chức và người dân.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN tỉnh thông tin, chương trình khuyến nông 2021-2025 với mục tiêu cụ thể sẽ góp phần đạt tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân năm giai đoạn 2021-2025 từ 2,5-3%. Các mô hình khuyến nông đạt năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm tối thiểu từ 10-25% so với sản xuất truyền thống và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến năm 2025, lúa chất lượng cao đạt tối thiểu 50% diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh; tỷ lệ đàn bò lai đạt trên 85%, đàn lợn nạc đạt hơn 95% tổng đàn; diện tích nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 200ha.

Giải pháp thực hiện, ngoài nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, cần tiếp cận, lựa chọn và chuyển giao các tiến bộ KHKT phù hợp, đẩy mạnh việc kết nối, liên kết thị trường đầu ra thông qua các hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với các DN, công ty tạo ra các kênh liên kết phân phối bền vững. Tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới tiên tiến, có tính tương đồng cao với điều kiện của các địa phương, thử nghiệm, đánh giá tổng kết để nhân rộng; ưu tiên các lĩnh vực công nghệ sinh học, tổ chức sản xuất, công nghệ sau thu hoạch và cơ giới hóa. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác khuyến nông.

Ngoài nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông, cần lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Xã hội hóa hoạt động khuyến nông

Theo chương trình khuyến nông tỉnh, căn cứ vào thực tế sản xuất từng vùng, các địa phương chủ động liên kết với các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu và DN để thu hút các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ xây dựng các chương trình, mô hình ứng dụng, chuyển giao các sáng kiến, kinh nghiệm, các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động khuyến nông.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nguồn cán bộ cho giai đoạn phát triển mới

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết, các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị, đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, cách làm phù hợp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, bảo đảm phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Tạo nguồn cán bộ cho giai đoạn phát triển mới
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Hướng đến nuôi tôm hai và ba giai đoạn

Trong điều kiện nuôi tôm trên cát thường xảy ra dịch bệnh, thua lỗ, ngành nông nghiệp đang hướng người dân chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bằng ao tròn, hai và ba giai đoạn.

Hướng đến nuôi tôm hai và ba giai đoạn
Nhiều mô hình khuyến nông cần nhân rộng

Từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương và quốc gia, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản an toàn, theo hướng hữu cơ, chuyển đổi số.

Nhiều mô hình khuyến nông cần nhân rộng

TIN MỚI

Return to top