|
Ngư dân kiểm tra trang thiết bị trên tàu cá |
Chủ tàu cá vỏ thép ở Phú Thuận (Phú Vang) Trần Văn Chiến chia sẻ, với chiếc tàu vỏ thép, công suất lớn hiện có hoàn toàn có thể khai thác dài ngày, ngang dọc trên khắp các vùng biển khơi, biển xa, đặc biệt tại vùng biển lớn Trường Sa, Hoàng Sa. Song, không vì thế mà bất chấp, vi phạm khai thác vượt quá giới hạn vùng biển cho phép, đặc biệt là vùng biển của nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) là một trong những hoạt động quan trọng đối với ngành thủy sản tỉnh trong nhiều năm qua. Đến nay, hoạt động này vẫn được duy trì thường xuyên, đặc biệt luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, theo dõi để yêu cầu, nhắc nhở, xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Quá trình giám sát, theo dõi, ngành thủy sản phối hợp với các địa phương kết hợp tổ chức vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ tàu, ngư dân về nguy cơ, tác hại của việc khai thác hải sản trái phép. Trong đó, đặc biệt lưu ý chống vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài. Đánh giá chung cho thấy, hầu hết các chủ tàu, thuyền viên đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định về chống khai thác IUU.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khoảng 678 tàu cá có đăng ký hoạt động trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 độ Bắc lên đến vịnh Bắc bộ và ranh giới vùng biển Việt Nam.
Trong khi số tàu đánh bắt xa bờ ngày càng tăng thì số lượng thuyền đánh bắt gần bờ, ven bờ giảm là tín hiệu tốt trong việc cải hoán, nâng cấp và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản. Từ khoảng 2.000 chiếc thuyền bãi ngang gần bờ trước đây, nay chỉ còn khoảng 1.400 chiếc. Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10 ngàn hộ gia đình với hơn 21 ngàn lao động.
Với mục tiêu giám sát hoạt động khai thác IUU, thời gian qua, ngành thủy sản tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ, kết hợp tuần tra, xử lý vi phạm. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 400 tàu cá bắt buộc phải lắp đặt VMS đã lắp VMS, đạt tỷ lệ 100%. Đây là điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng giám sát và xử lý vi phạm đối với tàu cá khai thác IUU.
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh, thành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao trong nỗ lực chống khai thác IUU. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nhân lực, nguồn lực, hạ tầng nghề cá nhưng các ban ngành của tỉnh làm tốt công tác quản lý, lắp đặt thiết bị VMS để theo dõi, kiểm soát, xử lý vi phạm tàu cá hoạt động trên biển, đặc biệt là đánh bắt trên vùng biển khơi, biển xa.
Để hiệu quả chống khai thác IUU được duy trì và phát huy đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Ngành thủy sản tỉnh nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu lắp đặt thiết bị VMS nhằm duy trì kết nối thiết bị VMS được thường xuyên. Trang thiết bị hỗ trợ giám sát cần được đầu tư một cách thỏa đáng, hiện đại kết hợp đầu tư nguồn lực, nhân lực đáp ứng yêu cầu mới.
|
Để hướng đến xây dựng phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sớm hoàn thiện đề án “Kiểm ngư địa phương” để có cơ sở làm mô hình, phương án triển khai thực hiện. Trung ương cần xem xét hỗ trợ tỉnh một tàu kiểm ngư có chiều dài từ 30 mét trở lên để tăng cường năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển.
|