ClockThứ Ba, 12/07/2022 14:16

Lộc Điền nỗ lực giảm nghèo

TTH - Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới được cấp ủy, chính quyền xã Lộc Điền (Phú Lộc) tập trung thực hiện với nhiều giải pháp theo hướng tiếp cận đa chiều, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh kế - xã hội của địa phương.

Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới là mục tiêu trụ cột của Nam Đông“Cầu nối” giữa người dân và chính quyềnĐồng hành cùng người dân khó khăn

Thu hút đầu tư trên địa bàn để giải quyết việc làm cho người nghèo đang được xã Lộc Điền chú trọng

Phù hợp với từng hộ nghèo

Năm 2018, gia đình chị Phan Thị Nhung, ở thôn Lương Điền Thượng (Lộc Điền) là hộ nghèo nhất của địa phương. Xác định nguyên nhân nghèo của gia đình chị do thiếu điều kiện phát triển sản xuất, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực vận động mọi nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ chị Phan Thị Nhung xây dựng mái ấm tình thương trị giá gần 80 triệu đồng. Sau khi có chỗ ở ổn định, cấp ủy chi bộ bàn bạc với chi hội phụ nữ và chi hội nông dân vận dụng các chương trình hỗ trợ chị Nhung nguồn giống cây ăn quả, tập huấn quy trình trồng trọt để phát triển kinh tế vườn đồi, góp phần cải thiện thu nhập...

Từ một hộ nghèo nhất thôn, sau hơn hai năm được địa phương tận tình giúp đỡ phù hợp với điều kiện cụ thể, gia đình chị Nhung đã từng bước vươn lên. “Nếu không được hỗ trợ giúp đỡ xây dựng nhà tình thương và tạo sinh kế, e rằng tôi không thể nào thoát được cái nghèo...” - chị Phan Thị Nhung bộc bạch.

Nhờ triển khai hỗ trợ người nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, phù hợp với nhu cầu từng hộ, nhiều gia đình đặc biệt khó khăn ở Lộc Điền đã được giúp đỡ thiết thực, hiệu quả. Gia đình anh Huỳnh Giáp cùng thôn Lương Điền Thượng cũng là hộ như thế. Đầu năm 2020, gia đình anh vẫn còn là hộ nghèo do thiếu hụt điều kiện sản xuất, các ban, ngành địa phương tích cực vận động anh tham gia lớp tập huấn phát triển chăn nuôi, rồi từ nguồn quỹ vì người nghèo, anh Giáp được vay 10 triệu đồng mua heo giống, gà giống. Mô hình chăn nuôi của gia đình anh hình thành từ đó. Ngoài phát triển chăn nuôi, địa phương còn vận động các hộ làm nghề khai thác thủy hải sản trên biển và đầm phá nhận anh Giáp làm công đi khai thác để anh có thêm thu nhập.

Đa chiều

Thực hiện công tác giảm nghèo, chính quyền xã Lộc Điền đã phê duyệt nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo ở địa phương.

Chủ tịch UBND xã Lộc Điền - ông Hoàng Sa cho biết, từ các nguyên nhân nghèo đa chiều, địa phương triển khai công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới theo hướng tiếp cận đa chiều, tập trung vào các nhóm giải pháp về nhà ở, điều kiện sản xuất, thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản khác; qua đó, có kế hoạch đầu tư xây dựng và hỗ trợ cho các hộ nghèo, lồng ghép kế hoạch giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh kế - xã hội của địa phương.

Chính quyền xã Lộc Điền quan tâm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành huyện thực hiện tốt các chính sách như miễn giảm viện phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Đồng thời, các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, bố trí lại dân cư... luôn ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo. Ông Hoàng Sa cho rằng, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo ở địa phương là giải pháp mang tính căn cơ, bởi thực tế đa số các hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập đều do thiếu điều kiện sản xuất và thiếu việc làm. Ngoài các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo như chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý, xây dựng nhà ở…, việc đào tạo nghề để người nghèo có công cụ tự vươn lên thoát nghèo là giải pháp được chú trọng với phương châm “Trao người nghèo cái cần câu chứ không trao con cá”.

Cũng theo ông Hoàng Sa, địa phương quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nghèo bằng cách tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn, để các cơ sở sản xuất, chế biến mở rộng kinh doanh và sử dụng lao động ngay tại địa phương. Việc đào tạo nghề cho người nghèo cũng nhắm đến đáp ứng nhu cầu, trong đó các chương trình đào tạo phải bảo đảm phù hợp với các cơ sở sản xuất, chế biến tại địa phương… Việc này giúp thực hiện đúng mục tiêu của đào tạo nghề là tăng khả năng giải quyết việc làm cho người nghèo.

Trong 4 năm qua, Lộc Điền nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo từ gần 18% đến nay xuống còn 2,68%; phấn đấu thực hiện đồng bộ các kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội để mỗi năm giảm 7-8 hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

Là địa phương nằm ở vùng ven thành phố, số hộ nghèo trên địa bàn phường Hương Vinh (TP. Huế) khá đông. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), bằng nhiều cách làm và đa dạng các giải pháp giảm nghèo, đến cuối tháng 11/2024, toàn phường chỉ còn 10 hộ nghèo, vượt 400% so với chỉ tiêu thành phố giao.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
Phong Điền nỗ lực xóa nhà tạm

Không trông chờ vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện Phong Điền đã xóa được nhà tạm cho nhiều hộ nghèo ở địa phương.

Phong Điền nỗ lực xóa nhà tạm
Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, Quảng Điền đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp an sinh xã hội. Trong đó, việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mô hình giảm nghèo hiệu quả được ưu tiên triển khai đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền
Đồng bộ giải pháp giảm nghèo

Với nhiều mô hình và cách tiếp cận để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo hiệu quả, giai đoạn 2022 - 2024, phường Hương Sơ (TP. Huế) đã giảm được 89 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo từ 123 hộ xuống còn 34 hộ vào thời điểm cuối tháng 10/2024.

Đồng bộ giải pháp giảm nghèo
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Return to top