Trồng hành ở Hương An
Tôi nghĩ đến chú tôi là khi tôi đọc được con số này: “Giai đoạn 2014-2019, Thừa Thiên Huế có hơn 40.000 hộ được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”.
Chú tôi cũng đã từng đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp xã. Ông khi nào làm lúa cũng năng suất cao. Trồng đậu phụng thì đậu phụng sai hạt. Có một năm ông được hội nông dân huyện mời đi tham quan các tỉnh phía bắc, ông vui lắm. Tôi soát xét tài sản nông nghiệp của chú, thấy có hơn mẫu ruộng, hơn 1 ha đào lộn hột, 5-7 con bò. Nhờ có công trình thủy lợi chảy qua, ông đào được hai ao thả cá. Gia sản ông xem chừng có vậy!
Đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi nhưng tôi thấy ông không bao giờ được sướng, theo cái nghĩa là ít đắn đo chắt bóp chi tiêu. Chứ còn tinh thần là ông rất sướng – sướng là vì con cái ngoan hiền, làm ăn được; được bà con xóm giềng quý trọng yêu thương; sướng là làm đồng xong về ăn miếng cơm, làm vài cốc rượu là ngủ thẳng cẳng ngay lưng.
Đúng là chưa hẳn thu nhập cao đã làm cho con người ta sung sướng. Chưa hẳn thu nhập thấp làm con người ta đau khổ. Nhưng làm thế nào để người nông dân có đời sống khá hơn lên, thoải mái hơn lên về vật chất là cả một câu hỏi đầy trăn trở.
GRDP của Thừa Thiên Huế ở vào khoảng hơn 31.300 tỷ đồng (con số công bố năm 2019). Tỷ trọng của riêng ngành nông nghiệp (nông - lâm - ngư) mấy năm qua chiếm khoảng trên dưới 11% và có mức tăng trưởng thấp nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác, chừng 2 -3%/ năm. Tức là miếng bánh nông nghiệp chỉ vào khoảng trên dưới 3.500 tỷ đồng.
Chỉ chiếm 11 -12% trong tổng thể nền kinh tế, nhưng tính về dân số lại chiếm đến hơn một nửa (thống kê dân số năm 2019: người sống ở thành thị hơn 563.000 người, sống ở vùng nông thôn hơn 566.000 người). Điều này cho thấy, những người làm ở lĩnh vực nông nghiệp, sống ở vùng nông thôn có một sự cách biệt khá lớn về mức sống so với những người sống ở thành thị và làm những lĩnh vực khác. Sự cách biệt này có khả năng ngày càng giãn ra thêm chứ khó có thể thu hẹp!? Nếu hình dung nó như một cuộc chạy đua, người nông dân mới tiến một bước thì những người ở khu vực thành thị và làm việc ở các lĩnh vực khác đã tiến mấy bước rồi!
Từ sự cách biệt về kinh tế, thu nhập, mức sống… dẫn đến người nông dân thiệt thòi hơn về các điều kiện khác như: chăm lo giáo dục cho con em; điều kiện về chăm lo sức khỏe, y tế; sự hưởng thụ về nhiều loại hình dịch vụ từ vật chất đến tinh thần… Nêu vấn đề như vậy để thấy, khu vực nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp là những lĩnh vực cần quan tâm nhất. Nếu không, một trong những mục tiêu phấn đấu của chúng ta “không ai bị bỏ lại phía sau” (với hàm ý thiệt thòi hơn) sẽ khó trở thành hiện thực.
Nhận ra rất rõ điều này nên nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ tập trung nhiều nguồn lực hơn cho vùng nông thôn bằng rất nhiều chương trình thúc đẩy phát triển hạ tầng; hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Đành rằng nông nghiệp có bước phát triển hơn trước, song những yếu tố mang tính đột phá thì không thấy nhiều. Người nông dân về cơ bản vẫn còn thiếu tư liệu sản xuất (ví dụ như đất đai thì mỗi người nông dân cũng chỉ được vài sào ruộng, diện tích rừng thì tính bình quân chưa được 1 ha), thiếu vốn, những thành tựu khoa học nông nghiệp về một nên nông nghiệp hiện đại lại càng thiếu… Vì vậy, nông nghiệp là một lĩnh vực vốn chịu nhiều rủi ro lại càng rủi ro hơn.
Trong những điều kiện như vậy, muốn để người nông dân khá hơn lên, ít chịu nhiều thiệt thòi hơn… thì từ chính sách đến thực tiễn cần có những thay đổi mạnh mẽ. Những chuyện quốc gia đại sự như thể chế về đất đai, những quyết sách lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì cần bàn bạc và quyết định ở tầm vĩ mô. Trong bài viết này, người viết mạo muội nêu vài suy nghĩ.
Muốn thay đổi trước tiên phải thay đổi về nhận thức và cách làm.
Đối với nông nghiệp, một điều luôn luôn nằm lòng bây giờ là hướng đến chất lượng chứ không đơn thuần chạy theo số lượng. Chất lượng chẳng những ngon mà phải sạch, an toàn. Người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn đến an toàn thực phẩm. 5 năm nữa, GDP bình quân đầu người có thể tăng gấp đôi thì người ta lại chú trọng hơn điều này. Đây là cơ hội tốt cho một nền nông nghiệp chất lượng, sạch. Nuôi con tôm con cá cũng vậy mà trồng cây lúa, cây rau cũng phải vậy. Rừng trồng nếu cứ chạy theo làm ngắn ngày để khai thác lấy dăm gỗ thì càng về sau đất càng bạc màu, môi trường càng bị hủy hoại. Có khi những hệ lụy này chúng ta chưa thấy ngay được bây giờ. Để đạt được chất lượng tốt (chỉ là chuẩn Việt Nam chứ chưa nói gì đến chuẩn quốc tế) phụ thuộc rất nhiều yếu tố và cần một sự theo đuổi lâu dài. Nhưng nếu chúng ta không đặt mục tiêu này để theo đuổi, sẽ không bao giờ có một nền nông nghiệp chất lượng.
Thứ đến cần thúc đẩy kinh tế hợp tác. Cách làm nông nghiệp theo từng hộ gia đình đã bộc lộ nhiều hạn chế - nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng không đồng nhất, chi phí cao… đối với lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, với cách làm như hiện nay rất dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Hợp tác tốt sẽ có những diện tích đủ lớn để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ. Chỉ có hợp tác mới có điều kiện giảm chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường…
Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa nông thôn. Một khi đã đô thị hóa thì dịch vụ phát triển làm chuyển dịch công việc của người nông dân. Lĩnh vực dịch vụ và các ngành nghề khác đem lại một nguồn thu nhập khá hơn cho người nông dân. Lúc này, có thể tự khắc đất đai sẽ được phân bổ lại, “tích tụ” nhiều hơn cho một bộ phận chuyên làm nông nghiệp. Khi ấy, một nền nông nghiệp với quy mô sản xuất lớn hơn có điều kiện ra đời.
Thực tế hiện nay tuy là người dân sống ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ nhiều hơn ở đô thị, nhưng không phải tất cả nông dân đều làm nông nghiệp mà họ còn làm rất nhiều ngành nghề phụ khác. Có khi, những ngành nghề phụ này đưa lại nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình họ. Những dự án lớn đang đầu tư và thực hiện ở vùng nông thôn cũng sẽ góp một phần quan trọng để đẩy nhanh sự chuyển dịch này.
Vì sao chú của tôi đạt nông dân sản xuất giỏi nhưng cuộc sống vẫn cứ phải chắt bóp? Công sức của chú và những người nông dân khác bỏ ra không hề nhỏ so với bất cứ ngành nghề nào nhưng lại nhận được miếng bánh quá nhỏ. Câu hỏi này cứ lởn vởn mãi trong tôi...
Bài: An Lê
Ảnh: Nguyễn Phong