Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: chinhphu.vn
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vacxin Dịch tả lợn Châu Phi và tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Để phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả, một trong những giải pháp có tính chiến lược, lâu dài và bền vững đó là nghiên cứu sản xuất vacxin”.
Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, Bộ đã huy động một lực lượng lớn các nhà khoa học thuộc các trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trong và ngoài ngành. Đồng thời cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai ngay các nhiệm vụ nghiên cứu đến các đơn vị.
Cùng với đó Bộ NN-PTNT đã tích cực huy động sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như OIE, FAO và hợp tác với các cơ quan hợp tác nông nghiệp của nước ngoài để triển khai nhiệm vụ này.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Cho đến nay nhánh nghiên cứu trong nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực”. Thứ nhất, chúng ta đã lựa chọn, phân lập ngân hàng virus Dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam để làm cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu sản xuất tiếp theo.
Thứ hai, chúng ta đã tập trung giải trình tự gen của các chủng virus để phục vụ nghiên cứu chuyên sâu sản xuất vacxin và chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác xét nghiệm.
Thứ ba, đã nghiên cứu dịch tễ để làm cơ sở xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và các giải pháp phòng, chống bệnh.
Thứ tư, chúng ta cũng đã xản xuất được một số chế phấm sinh học dùng trong chăn nuôi lợn để nâng cao sức đề kháng, kìm hãm sự phát triển của dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học và xử lý môi trường.
Thứ năm, chúng ta đã sản xuất được một số lô vacxin các loại khác nhau, trong đó có lô vacxin vô hoạt và nhược độc, bước đầu thử nghiệm ở quy mô hẹp cho kết quả khả quan. Các nhà khoa học đang hoàn thiện quy tình công nghệ để sản xuất vacxin thử nghiệm ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, chúng ta đã nghiên cứu chọn tạo dòng lợn kháng được bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Cụ thể là đã chọn lọc được 85 lợn nái sống sót ở các ổ dịch lớn có kháng thể hiện đang còn sống và sinh sản ở thế hệ vừa qua tốt. Thế hệ con sinh ra cũng có kháng thể Dịch tả lợn Châu Phi.
“Đây là một trong những tiền đề để tới đây chúng ta theo đuổi hướng chọn tạo dòng lợn có khả năng kháng bệnh tự nhiên”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Về nhánh hợp tác quốc tế, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố kết quả nhgiên cứu được vacxin Dịch tả lợn Châu Phi vào tháng 9/2019, Bộ NN-PTNT đã chủ động đề xuất hợp tác và mời các nhà khoa học của Hoa Kỳ sang Việt Nam và chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp trong nước phối hợp, tập trung triển khai.
Cho đến nay chúng ta đã tiếp nhận được chủng virus Dịch tả lợn Châu Phi từ Hoa Kỳ chuyển giao cùng với quy trình công nghệ và đã sản xuất được những lô vacxin bước đầu thử nghiệm trên lợn cho kết quả rất khả quan. Theo báo cáo của các chuyên gia và các doanh nghiệp tiếp nhận, chuyển giao, nếu điều kiện thuận lợi, khoảng quý III năm 2021 chúng ta sẽ có vacxin để sử dụng.
Đối với câu hỏi thứ 2 của đại biểu Mai Sỹ Diến, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến tháng 10/2020 cả nước đã xây dựng thành công 2.500 cơ sở an toàn dịch bệnh, chuỗi sản phẩm khép kín, vùng an toàn dịch bệnh với tổng số khoảng 400 triệu con gia súc, gia cầm tại 22 vùng cấp huyện, 109 vùng cấp xã và trên 2.400 cơ sở riêng biệt. Riêng Thanh Hóa chúng ta có 56 cơ sở.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn đã xây dựng được các chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu.
“Như chăn nuôi lợn thì Công ty GreenFeed, CP, Masan, Mavin... Chăn nuôi gà thì có Công ty Cổ phần Hùng Nhơn,... Tại Thanh Hóa chúng ta có chuỗi sản xuất thịt gà xuất khẩu của Công ty Cổ phần Phú Gia”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Từ nay đến năm 2025 chúng ta phấn đấu có 50 vùng an toàn cấp huyện, liên huyện, có trên 10.000 cơ sở riêng biệt đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo NNVN