Khách hàng chọn mua gạo thơm Thủy Thanh khi ghé về "Chợ quê ngày hội"
Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy Thanh cho hay, gạo thơm Thủy Thanh được trồng từ giống lúa chất lượng cao J02 (Nhật Bản), có hạt to, mẩy, khi nấu, gạo cho cơm mềm, dẻo và có mùi thơm nhẹ đặc trưng. Đây là giống lúa có khả năng chống chọi sâu bệnh tốt, khó đổ ngã, khó bị lai tạp, không chỉ phù hợp trồng ở vùng ruộng xã Thủy Thanh mà còn với hầu hết các nơi khác trên địa bàn toàn tỉnh.
“Giống này có năng suất khá cao, trung bình 12 tấn/ha, được trồng trên các cánh đồng đạt tiêu chuẩn Global G.A.P, sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu gieo giống đến thu hoạch, kiểm tra nghiêm ngặt từ đồng ruộng đến nhà máy, đảm bảo 5 tiêu chí: không chứa dầu bóng, không mùi hương hóa học, không chất bảo quản, không độc tố vi nấm và không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Với giá bán từ 7.500 – 8.000 đồng/kg lúa, còn gạo từ 17 – 18 ngàn đồng/kg, nên dù chi phí sản xuất cao hơn các loại khác khoảng 10% thì người trồng vẫn lãi cao”, ông Thạnh thông tin.
Hiệu quả kinh tế đem lại thấy rõ như vậy, nên từ 10ha năm 2005, đến nay, bà con Thủy Thanh đã trồng tới 230ha giống J02 trên tổng số 305ha diện tích lúa toàn xã, trong đó, vùng nguyên liệu tập trung khoảng 15ha. Song song với phát triển diện tích trồng lúa sản xuất gạo thơm, HTX Nông nghiệp Thủy Thanh và một số cơ sở thu mua lúa gạo trên địa bàn xã cũng đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, xây dựng nhà máy quy mô công suất hàng chục tấn mỗi ngày để thu mua, hỗ trợ bà con bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.
Chính quyền địa phương, HTX Thủy Thanh phối hợp với với cơ quan chuyên môn thị xã và tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân về quy trình, phương thức xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu… trên cơ sở “Cánh đồng mẫu lớn” tại địa phương.
Mặc dù gạo Thủy Thanh đã được người tiêu dùng biết đến, nhưng đa phần đều được xuất thô và thông qua các doanh nghiệp trung gian nên chưa phát huy được tối đa lợi nhuận, tiến tới mở rộng thị trường. Nắm bắt được vấn đề mấu chốt đó, từ giữa năm 2014, HTX Nông nghiệp Thủy Thanh cùng với Cơ sở thu mua, xay xát lúa gạo Sáu Thọ (xã Thủy Thanh) mạnh dạn đầu tư in bao bì, nhãn hiệu và đăng ký thương hiệu độc quyền “Gạo thơm Thủy Thanh”. Và sau một thời gian, từ hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban ngành, năm 2021, gạo thơm Thủy Thanh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Để nâng tầm và lan tỏa thương hiệu, mới đây, Sở Khoa học & Công nghệ đã thống nhất sẽ hỗ trợ về quản lý, phát triển thương hiệu “gạo thơm Thủy Thanh”, giúp tăng cường quảng bá, truyền thông, tránh tình trạng dù sản phẩm chất lượng tốt, bao bì đẹp nhưng không đưa được chất lượng, nguồn gốc, thông tin của sản phẩm, chứng chỉ xuất xứ… đến người tiêu dùng.
“Tiếp tục nâng cao chất lượng, hướng tới nâng sao cho sản phẩm OCOP gạo thơm Thủy Thanh, chúng tôi đang phối hợp với các sở, ngành chức năng nghiên cứu một vài bộ giống mới, quy hoạch vùng nguyên liệu thêm khoảng 50ha. Cái khó hiện tại là làm thế nào để đầu tư, nâng cấp kho chứa, dây chuyền xay xát hiện đại, công suất lớn để vừa bảo quản gạo, vừa đảm bảo nguồn cung ra thị trường ổn định hơn”, ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cho hay.
Bài, ảnh: Thanh Đoàn