“Hầu hết các bảo tàng ở Huế mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn di sản, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, hưởng thụ văn hóa của công chúng hoặc những điểm đến du lịch lý tưởng, hấp dẫn du khách trong nước lẫn quốc tế”.
TS. Trần Văn Dũng - Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã nhận định như thế trong cuộc trò chuyện với Thừa Thiên Huế Online sau khi trở về từ Chương trình Trao đổi Di sản Văn hóa “Cultural Heritage forward” do Viện Smithsonian phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức tại Washington DC.
|
TS. Trần Văn Dũng trong trang phục áo dài truyền thống tham dự Chương trình Trao đổi Di sản Văn hóa “Cultural Heritage forward” tại Washington DC
|
Anh nói: “Tôi nghĩ nhìn lại Huế không phải để so sánh sự phát triển, quy mô của hệ thống bảo tàng ở Huế so với hệ thống các bảo tàng ở Mỹ mà để đưa ra một số hướng suy nghĩ để làm sao, bằng cách nào để đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan”.
Anh có thể nói rõ hơn về chương trình Chương trình Trao đổi Di sản văn hóa “Cultural Heritage Forward” tại Mỹ?
Sau khi nộp hồ sơ ứng tuyển, tôi được lựa chọn để tham gia Chương trình Trao đổi Di sản Văn hóa “Cultural Heritage forward” do Viện Smithsonian phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức tại Washington DC. Viện Smithsonian được thành lập vào năm 1846, là khu phức hợp gồm các bảo tàng, trung tâm giáo dục và nghiên cứu lớn nhất thế giới.
Qua nghiên cứu “Hà Thành ngọ báo” (tòa soạn ở Hà Nội), tôi đã có phát hiện thú vị tại số 1474, ra ngày 30 tháng 7 năm 1932 có đoạn viết về sự ra đời của Viện Smithsonian. Trong đó đáng chú ý là vào thời điểm này, Viện Smithsonian có tên Hán Việt là “Học xã Ty Mật Tùng”. Như vậy vào những năm đầu thế kỷ XX danh tiếng của Viện Smithsonian ở Mỹ đã được người Việt Nam biết đến qua báo chí đương thời.
|
Toàn cảnh Bảo tàng quốc gia Lịch sử Thiên nhiên - một trong những bảo tàng để lại ấn tượng với TS. Dũng trong những ngày anh tham dự Chương trình Trao đổi Di sản Văn hóa “Cultural Heritage forward”
|
Viện Smithsonian hiện có 21 bảo tàng, 14 trung tâm giáo dục và nghiên cứu; với vai trò tăng cường và phổ biến kiến thức, bảo tồn di sản của Hoa Kỳ và của thế giới.
Ngoài ra, Trung tâm Đời sống Dân gian và Di sản Văn hóa thuộc Viện Smithsonian là đơn vị điều hành và tổ chức Lễ hội Đời sống Dân gian Smithsonian thường niên (Smithsonian Folklife Festival, thành lập năm 1967). Vào năm 2007, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cử đoàn nghệ thuật tham gia Lễ hội Đời sống Dân gian Smithsonian lần thứ 41 với chủ đề “Mê Công - Dòng sông kết nối các nền văn hóa”. Tại không gian trưng bày, kho lưu trữ của Trung tâm hiện vẫn còn bảo quản nhiều hiện vật, tư liệu của đoàn nghệ nhân Việt Nam.
Vì vậy, tôi đã có những trải nghiệm thật tuyệt vời khi tham gia Chương trình này. Ngoài việc trao đổi, chia sẻ và thảo luận với các đồng nghiệp về chủ đề di sản văn hóa, bảo tàng, Festival Huế thì tôi còn được tham quan nhiều bảo tàng ở Washington DC; và đặc biệt là có cơ hội giới thiệu, quảng bá chiếc áo dài Huế đến với bạn bè quốc tế.
Và điểm nhấn của chương trình này là gì? Nó giúp ích ra sao với một công chức đang theo đuổi nghiên cứu văn hóa như anh?
Chương trình Trao đổi Di sản Văn hóa đã quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý từ 6 quốc gia đại diện cho ba khu vực trên thế giới: Tây Á và Thái Bình Dương (Việt Nam và New Zealand), Tây Bán cầu (Chile và Peru) và Châu Phi (Nigeria và Cameroon) cùng với đại diện của Viện Smithsonian và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhằm trao đổi, chia sẻ và thảo luận những vấn đề liên quan đến chủ đề di sản văn hóa và bảo tàng. Trong đó nhấn mạnh đến công tác trưng bày, bảo quản, hồi hương các hiện vật, xác định vị trí và vai trò của các cộng đồng trong hoạt động bảo tàng…
|
TS. Trần Văn Dũng (thứ 3, từ trái qua) cùng các đại biểu đến từ nhiều nước khác trao đổi trong quá trình tham gia Chương trình Trao đổi Di sản Văn hóa “Cultural Heritage forward”
|
Tôi hiện đang công tác tại Phòng Quản lý Di sản Văn hóa thuộc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế. Do vậy, Chương trình này đã mang lại cho tôi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích và thiết thực trong việc nghiên cứu, quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và bảo tàng ở Thừa Thiên Huế. Đồng thời cũng đã mở ra nhiều cơ hội kết nối, hợp tác với hệ thống các bảo tàng, Trung tâm Đời sống Dân gian và Di sản Văn hóa thuộc Viện Smithsonian cũng như Trung tâm Di sản Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa Huế trong thời gian tới.
Quá trình tham dự Chương trình, anh đã đến rất nhiều bảo tàng ở Mỹ. Với một người công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa, cảm xúc của anh khi đặt chân đến những không gian như thế này?
Trong thời gian tham dự Chương trình tôi đã có cơ hội đến tham quan nhiều bảo tàng ở Washington D.C. Điển hình như Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Phi, Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên, Bảo tàng Hàng không và Không gian, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Người Mỹ bản địa, Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá người Mỹ gốc Phi…
Đây là những bảo tàng nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt khách tham quan cả trong lẫn ngoài nước ghé thăm mỗi năm. Các bảo tàng này đều có quy mô lớn về kiến trúc xây dựng cũng như sự hiện đại, của kỹ thuật công nghệ tiên tiến hỗ trợ trưng bày, bảo quản, vận hành và quản lý tòa nhà và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của bảo tàng. Đồng thời mang dấu ấn đặc trưng riêng về phong cách kiến trúc, cách thức trưng bày hiện vật, truyền tải những câu chuyện lịch sử.
|
Mỗi bảo tàng ở Mỹ mang dấu ấn đặc trưng riêng về phong cách kiến trúc, cách thức trưng bày hiện vật, truyền tải những câu chuyện lịch sử
|
Trong đó Bảo tàng Nghệ thuật châu Á là một địa chỉ quan trọng mà tôi không thể bỏ qua khi đến Washington D.C. Bảo tàng này hiện đang lưu giữ và bảo quản nhiều bộ sưu tập hiện vật độc nhất vô nhị về nghệ thuật châu Á. Vì vậy, tôi đã thực sự ngỡ ngàng và ấn tượng với những cổ vật gốm Chu Đậu Hải Dương đang được trưng bày rất trang trọng tại đây. Các hiện vật còn nguyên vẹn, thể hiện giá trị rất cao về yếu tố mỹ thuật, lịch sử. Qua đó góp phần khẳng định sự phong phú, giàu giá trị của gốm sứ Việt Nam nói chung và gốm Chu Đậu nói riêng từ nhiều thế kỷ trước.
|
TS. Trần Văn Dũng ngắm nhìn hiện vật Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á
|
Huế đang tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn văn hóa di sản. Theo anh, Huế cần học hỏi, áp dụng gì từ những không gian bảo tàng đó?
Thừa Thiên Huế là một vùng đất di sản và trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Vì vậy, Huế hiện có 10 bảo tàng (5 bảo tàng công lập và 5 bảo tàng tư nhân) lưu giữ số lượng hiện vật, tư liệu hết sức đồ sộ, phong phú, độc đáo và trong đó có nhiều hiện vật đặc biệt quý hiếm được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Điều này không phải địa phương nào cũng có được. Trong thời gian đến, Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thì nhất thiết cần phải có sự đầu tư xứng đáng cho các thiết chế văn hóa, trong đó hệ thống các bảo tàng phải được ưu tiên hàng đầu.
|
Các không gian thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Huế nằm trên trục phố bảo tàng Lê Lợi
|
Tôi nghĩ Huế có thể học hỏi, áp dụng mô hình quy hoạch, xây dựng hệ thống các trung tâm nghệ thuật, bảo tàng và nhà trưng bày tọa lạc hai bên đường Lê Lợi như National Mall (Công viên Trung tâm quốc gia) ở Washington D.C. Hàng năm, chuỗi bảo tàng trực thuộc Viện Smithsonian đón hàng chục triệu lượt du khách từ khắp nước Mỹ và trên thế giới đến tham quan, thưởng lãm.
Anh có thể nói rõ thêm về ý tưởng này?
Trên tuyến đường Lê Lợi kéo dài từ Ga Huế về tận Đập Đá, dọc theo bờ phía Nam sông Hương thơ mộng không chỉ lưu giữ khá nhiều công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, hệ thống cây xanh mà còn là không gian với nhiều điểm đến công cộng lý tưởng. Ngoài ra, song song với đường Lê Lợi còn có cầu gỗ lim nằm tiếp giáp với sông Hương và kết nối với các trục đường đi bộ được đầu tư bài bản. Chỉ mất một khoảng thời gian nhỏ, du khách có thể đi từ bảo tàng này sang bảo tàng hoặc không gian văn hóa khác và cũng từ đó có thể tiếp tục đi bộ ra bờ sông Hương ngắm cảnh.
|
Tuyến đường Lê Lợi nhìn từ trên cao xuống với rất nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp, cạnh đó là đường đi bộ dọc theo dòng sông Hương thơ mộng
|
Vì thế, việc hình thành đường Lê Lợi như National Mall có thể thực hiện được nếu có sự quyết tâm cao, qua đó, vừa nâng tầm giá trị văn hóa vừa mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững gắn với việc phát huy hệ thống các bảo tàng, các công trình di tích liền kề.
Hiện nay ở hai vị trí đắc địa trên cung đường Lê Lợi đã có sự hiện diện của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Ngoài ra vào ngày 8/10/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2209 phê duyệt Đề án Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm TP. Huế (đoạn từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền).
Trong thời gian sắp đến, chúng ta cần tận dụng các tòa nhà kiến trúc Pháp, trụ sở hành chính bỏ trống sau khi di dời trên tuyến đường Lê Lợi để đầu tư nâng cấp trở thành các thiết chế văn hóa - du lịch, dịch vụ như bảo tàng, nhà trưng bày, nhà hát… Có thể nói, du khách có chuyến tham quan, trải nghiệm hệ thống các bảo tàng, di tích tọa lạc trên trục đường Lê Lợi như là một hành trình khám phá văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của vùng đất xứ Huế.
|
Các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật nằm trên tuyến đường Lê Lợi là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội
|
Ngoài ra để hệ thống bảo tàng ở Huế đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng và khách du lịch thì các bảo tàng cần phải được đầu tư hơn nữa về công nghệ kỹ thuật số. Bởi ứng dụng các công nghệ mới đã trở thành trợ thủ đắc lực trong mọi hoạt động của bảo tàng: từ công tác phục vụ trưng bày, khách tham quan như công nghệ 3D, màn hình cảm ứng tương tác, scan kỹ thuật ảo, công nghệ thực tế ảo đến các hoạt động an ninh, bảo vệ, giám sát điều kiện môi trường bảo quản, lưu trữ dữ liệu số.
Đặc biệt cũng cần quan tâm, ưu tiên cho việc gắn kết với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ nhằm phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn. Đồng thời xây dựng hệ thống bảo tàng không chỉ là nơi để học tập, giải trí mà còn là nơi gặp gỡ, thưởng thức các chương trình nghệ thuật văn hóa hay mang về những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa, những công trình nghiên cứu có giá trị không thể mua ở hiệu sách thông thường.
Được biết, anh đã mặc áo dài khi tham dự một số sự kiện nằm trong chương trình. Thông điệp anh muốn nhắn gửi đến mọi người là gì?
Lâu nay, nói đến áo dài của người Việt, nhiều người chỉ nghĩ đến áo dài nữ mà chưa biết nhiều đến áo dài nam. Vì vậy cũng giống như đợt tham gia Chương trình “Đào tạo Quản trị Văn hóa” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức tại Seoul vào năm 2022, trong hành trang tôi mang theo, áo dài là vật không thể thiếu. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi mặc áo dài tham dự những sự kiện quan trọng nằm trong Chương trình. Bởi với tôi, mặc áo dài là mang hình ảnh đẹp nhất của dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, tôi cũng muốn góp phần làm lan tỏa giá trị, truyền thống của Việt Nam ra thế giới.
|
TS. Trần Văn Dũng trăn trở làm sao đó để đưa bảo tàng ở Huế đến gần hơn với công chúng cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan
|
Thực hiện: NHẬT MINH
Ảnh: PHAN THÀNH - ĐÌNH HOÀNG - DŨNG TRẦN
Thiết kế: QUANG THIỀU