ClockThứ Ba, 29/12/2020 18:13

Ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch ở gia súc, gia cầm

TTH.VN - Thời điểm này, nếu xảy ra “sự cố” với đàn vật nuôi, nông dân sẽ thiệt hại rất lớn, bởi đa số các trang trại, gia trại gia súc, gia cầm đang chuẩn bị vào thời kỳ xuất chuồng phục vụ thị trường cuối năm và tết Nguyên đán sắp tới.

Phong Điền: Tiếp tục giám sát dịch tả lợn châu PhiNuôi lợn ở vùng giáp dịchTăng cường các biện pháp phòng, chống dịch heo tai xanh

Tuyên truyền các biện pháp phòng dịch trên vật nuôi đến người dân

Cẩn trọng

Những ngày mưa lạnh, kèm theo gió mùa đông bắc tràn về khiến các hộ chăn nuôi đứng ngồi không yên. Các trang trại, gia trại đang cẩn trọng, hạn chế người ra vào để kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ phát dịch.

Lứa lợn 20 con và 1.000 con gà của ông Hoàng Trọng (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) chuẩn bị bước vào thời kỳ xuất chuồng, ngoài che chắn chuồng trại, ông Trọng luôn ưu tiên công tác giữ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

“Mùa đông, nhiệt độ thay đổi là cơ hội cho nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Do vậy, trang trại của tôi tuyệt đối không cho người lạ ra vào. Cũng thời gian này năm ngoái, bởi không kỹ lưỡng trong khâu phòng dịch nên tôi đã thiệt hại rất lớn”, ông Trọng nói.

Thời gian trở lại đây, người chăn nuôi liên tục gặp khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai khiến nghề chăn nuôi bị thiệt hại, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, người nuôi khôi phục lại đàn với hàng loạt biện pháp phòng dịch như, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi...

“Tiền bạc tôi đổ hết vào lứa lợn vụ đông này. Lợn đã đạt 60kg/con, nếu thuận lợi, không chỉ mang lại thu nhập trang trải những ngày tết mà còn có tiền để tái đầu tư. Bây giờ, ngoài chế độ dinh dưỡng, các quy định phòng dịch phải tuyệt đối tuân thủ”, ông Hồ Hữu Lộc (huyện Phong Điền) chia sẻ.

“Phát hiện sớm, xử lý nhanh ”

Ngoài công tác phòng bệnh, các cơ quan chức năng còn hỗ trợ con giống để người dân khôi phục sản xuất

Ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho biết, để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong điều kiện thời tiết bất lợi, cán bộ chăn nuôi hàng tuần được cử về các trang trại, gia trại hướng dẫn người dân cách phòng dịch, tiêu độc khử trùng. “Lợn và gà, bò là các loại vật nuôi chủ yếu được người dân trên địa bàn chọn để phát triển kinh tế. Các gia trại, nông hộ là nơi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát bởi người dân thường chủ quan. Đó chính là những nơi mà lực lượng thú y cơ sở cần để mắt. Thời điểm này, nếu bùng phát dịch, nông dân sẽ thiệt hại rất lớn”, ông Lự nói.

Toàn tỉnh hiện có hơn 4,7 triệu con gia súc gia cầm. Với phương châm “Phát hiện sớm, xử lý nhanh”, công tác phòng dịch được đặt lên hàng đầu. Nhiều loại bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng chống nên với tập quán chăn nuôi, thả rông gia súc gia cầm, nguy cơ bùng phát, lây lan rất cao.

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, ngay từ đầu vụ đông, hàng tấn hóa chất đã được cấp phát về cơ sở giúp người dân tiêu độc. Ngoài dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lây lan trên diện rộng. Loại bệnh này lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và nước ta chưa có vắc xin phòng bệnh nên việc kiểm soát rất quan trọng. “Khi dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở Quảng Trị, ngành triển khai các chốt chặn kiểm soát. Ngoài ra, vào cuối năm, lượng tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm có xu hướng tăng nên tại các lò mổ. chúng tôi cử lực lượng kiểm soát chặt chẽ”, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên vật nuôi vụ đông xuân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. “Chúng tôi đã có nhiều văn bản đốc thúc công tác phòng các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đến tận cơ sở, đặc biệt là sau những đợt lũ lụt liên tiếp vừa qua. Thời gian này, người dân cần dự trữ một số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa,… cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị hỗ trợ giống cho người dân để khôi phục chăn nuôi sau thiên tai”, ông Hưng thông tin.

   Bài, ảnh: L.Thọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng dịch trong mùa tựu trường

Học sinh các trường bắt đầu bước vào năm học mới, cùng với thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy, nâng cao nhận thức, phối hợp theo dõi, xử lý ca bệnh giữa trường học và y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Chủ động phòng dịch trong mùa tựu trường
Trồng trọt chất lượng, chăn nuôi an toàn

Trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa tập trung, theo hướng an toàn, hữu cơ là hướng đi mới của ngành nông nghiệp trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trồng trọt chất lượng, chăn nuôi an toàn

TIN MỚI

Return to top