Cây ngô đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân
Cây thoát nghèo
Khoảng 5 năm trước, nông dân miền sơn cước xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) mạnh dạn đưa giống ngô lai vào canh tác. Trước đó, người dân vùng cao này có thời gian dài gắn bó với giống ngô thuần chủng. Và từ khi xuất hiện ngô lai, đời sống người dân từng bước thay đổi rõ nét. Giống cây trồng này tỏ ra phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng biên giới. Ngô mỗi năm trồng được hai vụ, trở thành cây trồng chủ lực bên cạnh sắn và chuối.
Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Bùi Việt Dũng cho biết, khi Nhà nước vận động định canh định cư, áp dụng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì đời sống của người dân cải thiện rõ nét. Đối với xã Hồng Thủy, một trong những cây trồng mang lại thu nhập cao là ngô lai. “Tính trung bình hàng năm, cây ngô mang lại lãi cho mỗi hộ dân khoảng 7-8 triệu đồng/vụ. Với bà con vùng cao, đây là số tiền không phải là nhỏ. Nhờ cây ngô lai, nhiều hộ dân thoát nghèo”, ông Dũng nói.
Thời điểm này, tại vùng núi A Lưới, đa số nông dân đã thu hoạch xong vụ ngô, một số hộ đã tiến hành gieo trồng vụ mới. Được xem là vựa ngô lớn nhất tỉnh, năm nay ngô của nông dân được mùa.
Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện A Lưới, toàn địa phương này đưa vào gieo trồng gần 650 ha. Những năm qua, năng suất ngô luôn giữ ổn định. Để phát triển bền vững, nhiều hộ dân mạnh dạn áp dụng mô hình trồng ngô theo hướng hàng hóa.
“Đầu vụ ngô năm nay, hơn 100 ha ngô ở Hồng Thủy bị sâu keo tấn công. Chúng tôi đã cắt cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu nên ít thiệt hại. Do vậy, đợt thu hoạch vừa rồi, nông dân được mùa ngô với sản lượng 50 tạ/ha. Giá bán ngô từ 7.000-8.000 ngàn đồng/kg”, ông Lập thông tin.
Ở các địa phương vùng đồng bằng, thời gian gần đây, nông dân tận dụng các bãi bồi ven sông và những vùng đất phù hợp tiến hành trồng ngô mang lại hiệu quả khá cao. “So với trồng lúa, trồng ngô hiệu quả gấp 3-4 lần. Tôi trồng 2 sào, hàng năm thu lãi khoảng 5 triệu đồng. Năm nay, ngô được mùa và gia đình tôi đang trong quá trình thu hoạch. Giá ngô cao hơn so với các năm trước”, bà Hoàng Thị Hoa (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) nói.
Toàn huyện Quảng Điền hiện có 28 ha ngô chủ yếu tập trung ở các xã Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thọ. Dọc các con đường khắp các địa phương này, nhiều hộ dân bày biện lán trại, bán ngô tươi lẫn ngô nấu chín cho người đi đường. Hiện, bên cạnh những diện tích đã thu hoạch vẫn còn một số diện tích đang đậu quả.
“Nông dân Quảng Điền chủ yếu đưa vào gieo trồng giống ngô nếp. Nếu như một sào lúa cho lãi khoảng 500-600 nghìn đồng thì ngô cho lãi xấp xỉ 2 triệu đồng. Những năm gần đây, tại vùng Thạnh Lợi (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), cây ngô mang lại hiệu quả cao khi nông dân vừa xuất bán ngay tại ruộng vừa bán lẻ dọc đường”, ông Trần Đình Nam, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết.
Nông dân bán ngô bên lề đường ở xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền)
Giải quyết bài toán thị trường trong tương lai
Với đặc tính sinh trưởng mạnh, ngắn ngày, cho phẩm chất trái tốt và thị trường ưa chuộng. So với các cây trồng cạn, ngắn ngày khác, ngô đang cho hiệu quả khá cao.
Theo ông Trần Đình Nam, để tạo ra hướng phát triển bền vững cho loại cây trồng này, nông dân tại huyện Quảng Điền trồng ngô theo hướng rải vụ chứ không tiến hành trồng tập trung trong từng thời điểm và đưa vào trồng giống ngô phục vụ cho ăn tươi.
“Thông thường, thời điểm nông dân trồng ngô nhiều là vụ đông xuân và lựa chọn giống ngô có thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch khoảng 75-80 ngày. Trong số các cây trồng cạn, ngô dễ chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đây là cây trồng không cần quá nhiều về nguồn nước mà chỉ cần sự phù hợp về độ ẩm của đất. Do vậy, ở các địa phương hầu như vùng đất nào cũng thích hợp trồng ngô”, ông Nam chia sẻ.
Toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha ngô, tập trung chủ yếu tại 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ngô là loại cây trồng mang lại thu nhập cao với quy trình chăm sóc đơn giản, đồng thời chi phí gieo trồng cũng ít hơn các loại cây khác.
“Tùy vào thời điểm trồng của mỗi địa phương mà nông dân thu hoạch sớm hay muộn. Gần đây, trên cây ngô xuất hiện một số loại sâu bệnh như, sâu đục thân, bệnh đốm lá, đặc biệt là đối tượng mới sâu kèo bầu thu, phát triển trong các giai đoạn sinh trưởng của cây. Do vậy, với những diện tích chưa thu hoạch, nông dân cần thường xuyên chăm sóc để tránh thiệt hại”, ông Hồ Đắc Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo.
Mặc dù đang được mùa và mang lại hiệu quả cao, song, cùng với nhiều loại nông sản khác trên địa bàn tỉnh, ngô vẫn chưa có những đơn vị bao tiêu sản phẩm. Do vậy, ngoài phương án rải vụ, trồng đồng thời với các loại cây trồng khác để bổ trợ cho nhau, giải quyết bài toán đầu ra bền vững trong tương lai là điều mà nông dân và chính quyền các địa phương cần tính đến.
T.S, nhà nông học Lê Tiến Dũng cho rằng: “Khi đầu ra của nông sản nói chung đang phụ thuộc quá nhiều vào thương lái thì cây ngô cần duy trì với diện tích phù hợp. Các cấp chính quyền cần có những biện pháp liên kết sản phẩm của nông dân với các doanh nghiệp sản xuất chế biến ngô ở các tỉnh, thành. Khi đó, những diện tích chuyên canh, sản xuất ngô hàng hóa ở các địa phương mới giải quyết được bài toán thị trường đầu ra bền vững trong tương lai”.
Bài, ảnh: L.Thọ