ClockThứ Sáu, 05/01/2024 11:43

Nông dân với nông sản hữu cơ, OCOP

TTH - Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, OCOP đã xuất hiện nhiều hộ nông dân vừa làm giàu vừa giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vốn, việc làm để vươn lên thoát nghèo.

Sớm quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển các sản phẩm dược liệuThanh niên hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên nền tảng sốGắn du lịch nông nghiệp với sản phẩm OCOP

Phiên chợ nông sản ở A Lưới 

Những nông dân điển hình tiến tiến như ông Trần Quốc Tín, hội viên nông dân (HVND) huyện Phú Vang với mô hình sản xuất, chế biến nước mắm và các sản phẩm dạng mắm có tổng doanh thu 250 triệu đồng/năm, lợi nhuận 120 triệu đồng/năm. Mô hình của ông Tín còn tạo công việc thường xuyên cho 3 nhân công và 15 nhân công theo mùa vụ có thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Tấn Sáu, HVND xã Phong Hiền (Phong Điền) với trang trại nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao kết hợp nuôi heo, nuôi cá hồ theo mô hình vườn - ao - chuồng có lợi nhuận 540 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân mỗi lao động 7,5 triệu đồng/tháng.

Ông Trương Minh Hào, HVND xã Hương Phú (Nam Đông) với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, lợi nhuận 450 triệu đồng/năm. Mô hình của ông Hào tạo việc làm thường xuyên cho 7-8 lao động với thu nhập bình quân mỗi người 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Mô hình trồng hành tím tại xã Điền Môn (Phong Điền) là một trong những mô hình mới, có nhiều hộ HVND mạnh dạn đầu tư hệ thống phun sương tự động để chăm sóc cây giống nhằm tiết kiệm sức lao động và tăng năng suất cây trồng. Qua hạch toán hiệu quả trồng hành tím, lãi ước đạt bình quân 300 triệu đồng/ha. Mỗi sào hành còn giải quyết việc làm cho hai lao động. Hay mô hình nuôi xen ghép tại xã Vinh Hưng (Phú Lộc) bình quân mỗi hộ thu lãi từ 180 - 250 triệu đồng/vụ nuôi trồng từ 3,5 - 4 tháng…

Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh thông tin, năm 2023, HND tỉnh triển khai nhiều mô hình hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, an toàn mang lại hiệu quả. Theo đó, HND tỉnh hỗ trợ kinh phí theo hình thức đối ứng (50%) cho 105 HVND xây dựng 9 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với tổng kinh phí 450 triệu đồng.

HND cấp huyện, thị xã phối hợp với các ban, ngành triển khai hỗ trợ HVND 95 mô hình kinh tế ở địa phương. Trong đó, đáng kể đến HND huyện Phú Vang triển khai thực hiện 4 dự án nuôi trồng thủy sản VietGAP tại xã Vinh Hà với quy mô 6,5ha; trồng rau VietGAP tại xã Vinh Thanh; trồng dưa lê tại xã Vinh Xuân và nuôi cua trứng tại xã Phú Hải. Các xã Bình Tiến, Hương Bình (TX. Hương Trà) đang thử nghiệm trồng sâm Bố Chính với diện tích khoảng 2ha.

Trong hoạt động sản xuất, HND các cấp phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp cung ứng vật tư đầu vào theo hình thức trả chậm không tính lãi. Kết quả đã cung ứng 727 tấn giống cây trồng các loại, 2.816 tấn phân bón, 5.585 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 16 tấn thức ăn chăn nuôi, 125 máy nông nghiệp với tổng trị giá 14,6 tỷ đồng.

Các cấp HND phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân trực tiếp mở lớp dạy nghề cho 85 học viên và phối hợp với các đơn vị đào tạo tổ chức dạy nghề cho 395 học viên. Sau khi học nghề đã có 407 học viên tự giải quyết việc làm tại hộ gia đình. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là các mô hình mới, HND tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng bưởi da xanh, trồng và chăm sóc cây mai cảnh, nuôi trồng thủy sản, mô hình VietGAP, hướng dẫn kiến thức về truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hành lá VietGAP, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp.

Riêng HND tỉnh tổ chức hàng chục lớp tuyên truyền chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho 800 HVND sản xuất, kinh doanh giỏi. HND phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức tập huấn chuyên đề theo chuỗi giá trị về nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn cho các cơ sở hội và các chi, tổ hội tiêu biểu. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn về “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt” cho hàng trăm cán bộ, HVND huyện Phú Vang và TX. Hương Thủy.

Các cấp HND hỗ trợ HVND quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP và OCOP. Theo đó, tổ chức các gian trưng bày sản phẩm nông sản tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023, chương trình “Tết Huế”, các hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh bạn, đưa các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, Công ty Huế Việt để tiêu thụ. Có 95 hộ nông dân được hướng dẫn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử với số nông sản lên sàn Postmart.vn là 301 sản phẩm.

HND hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng và được công nhận 10 sản phẩm OCOP. Đến nay toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. HND tỉnh tổ chức phiên chợ nông sản để trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, OCOP lần thứ II năm 2023 tại phố đi bộ, đường Phạm Hồng Thái. Phiên chợ có 23 gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm VietGAP, hữu cơ.

Bài, ảnh: Thanh Nga
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối tiêu thụ nông sản từ phiên chợ vùng cao

Phiên chợ vùng cao lần thứ nhất năm 2024, do Hội Nông dân (HND) tỉnh tổ chức vừa diễn ra tại thành phố Huế - cũng là nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD). Phiên chợ được bố trí các gian hàng hợp lý, thuận lợi cho người dân đến tham quan, mua bán các sản phẩm OCOP, nông sản, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, giới thiệu nghề truyền thống, văn hóa dân tộc các địa phương trong tỉnh.

Kết nối tiêu thụ nông sản từ phiên chợ vùng cao
Sản phẩm và dịch vụ OCOP từ dược liệu

Thực hiện Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến năm 2030, Thừa Thiên Huế tập trung tận dụng tiềm năng tài nguyên bản địa kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để hình thành các sản phẩm dược liệu chủ lực, có sức cạnh tranh cao.

Sản phẩm và dịch vụ OCOP từ dược liệu
“Cần phát triển các sản phẩm OCOP theo chiều sâu”

Đó là chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hồ Đăng Khoa trong cuộc trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần liên quan đến các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

“Cần phát triển các sản phẩm OCOP theo chiều sâu”

TIN MỚI

Return to top