Trong các căn nhà tạm ở Thượng Lộ, Nam Đông, vật liệu người dân luôn chuẩn bị sẵn là gỗ rừng để xây nhà mới khi có điều kiện
Vay thêm mới làm được nhà
Ông Hồ Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ thông tin, toàn xã có 25 hộ thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, bình quân mỗi hộ được UBND huyện Nam Đông, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh hỗ trợ 20-30 triệu đồng. Xóa nhà tạm là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM).
Tuy nhiên, thực tại ở địa phương, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, với số tiền hỗ trợ ít ỏi đó, để có được một ngôi nhà hoàn chỉnh gần như “ngoài tầm tay”. Mỗi hộ dân đều có đất ở trong vườn nhà khoảng 500m2, nhận thêm tiền hỗ trợ 20-30 triệu đồng để làm nhà hoàn chỉnh, gọi là “tạm được”, họ phải vay thêm ít nhất từ 70-100 triệu đồng nữa mới làm được nhà.
Ông H.V.T (thôn Dỗi, xã Thượng Lộ) cho biết: “Năm 2018, gia đình được UBND huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để xóa nhà tạm, vì nhà cũ chỉ là phên tre nứa, nền đất tạm bợ. Được chính quyền hỗ trợ bà con rất vui mừng, nhưng số tiền đó thì công cán thôi cũng đã gần hết, chưa nói đến vật liệu đang ngày một đắt đỏ. Biết khó khăn nhưng mình cũng “đánh liều” làm đơn cam kết nhận tiền xây nhà. Ngôi nhà mình làm khoảng 60m2, phải vay thêm bên ngoài gần 100 triệu nữa mới làm đủ”.
Khảo sát tại thôn Dỗi, bên cạnh những hộ đã nhận tiền xây nhà mới thì nhiều gia đình vẫn phải sống trong các căn nhà tạm bợ. Và, không phải ai cũng “đánh liều” nhận tiền hỗ trợ xây nhà như ông H.V.T.
Thống kê của UBND xã Thượng Lộ, có 6 hộ dân trên địa bàn từ chối nhận tiền hỗ trợ xóa nhà tạm, chấp nhận ở nhà xập xệ do không đủ kinh phí bỏ thêm để xây nhà hoàn chỉnh.
“Làm đơn nhận tiền mà không xây nhà thì không được. Thà không nhận, khi nào kiếm đủ vật liệu thì làm nhà luôn cũng chưa muộn”, ông L.V.L (thôn Dỗi), một hộ dân thuộc diện xóa nhà tạm, bộc bạch.
Ông Hồ Văn Chính cho rằng, để đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, hiệu quả, quy trình xem xét bình chọn các đối tượng xóa nhà tạm ở địa phương được thực hiện khá nghiêm ngặt. Các hộ dân nhận xóa nhà tạm phải có đơn cam kết xây nhà. Địa phương giao Chủ tịch UBMTTQVN xã giữ tiền hỗ trợ. Hộ dân nào có đơn nhận tiền xóa nhà tạm rồi, khi đang xây dựng thiếu vật liệu gì thì ra trung tâm huyện ứng trước, địa phương sẽ chi trả lại kinh phí. Các hộ khó khăn hơn thì địa phương huy động các hội, đoàn thể, người dân hỗ trợ nhân công. Bằng cách không đưa tiền trực tiếp cho các hộ dân nhằm tránh tình trạng nhận tiền về không thực hiện xây nhà mà dùng vào chi tiêu cá nhân.
“Xung đột” với rừng
Thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, toàn huyện có 64 nghìn ha rừng các loại. Trong đó, “xung đột” giữa các hộ dân với rừng cộng đồng nhiều nhất xảy ra ở các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Hữu, Thượng Nhật, Thượng Lộ và Hương Sơn.
Để xóa nhà tạm, ngoài tiền hỗ trợ, mỗi hộ dân ở Thượng Lộ, Nam Đông phải vay mượn thêm từ 70-100 triệu đồng mới làm đủ
Những địa phương này đang thực hiện chương trình xóa nhà tạm, trong “cơn khát” vật liệu đã khiến nhiều hộ dân khai thác trái phép, tận dụng gỗ tại các khu vực rừng cộng đồng do hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng và đơn vị nhà nước quản lý.
Câu chuyện xóa nhà tạm gây “xung đột” với rừng được Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông đưa ra là trường hợp ông H.X.V (thôn Dỗi). Ông V. là đối tượng nằm trong diện được UBND huyện Nam Đông hỗ trợ 20 triệu đồng để xóa nhà tạm. Do không đủ tiền cung ứng mua vật liệu, cuối tháng 6/2019, ông V. đã khai thác trái phép tại khu vực rừng cộng đồng thôn Dỗi.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác nhận có 4 gốc xoan đào (gỗ thuộc nhóm V) và 1 gốc gỗ sơn bị chặt hạ nằm trong khoảnh 11, tiểu khu 415, thuộc rừng cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ) quản lý. Tìm hiểu của PV, căn nhà ông V. cũng được làm chủ yếu bằng gỗ. Số ván, đòn tay ông V. có được là từ khai thác rừng trái phép trong nhiều năm.
Khảo sát quanh một vòng ở các hộ dân có nhu cầu xây dựng nhà tạm ở các xã Thượng Lộ, Hương Sơn, Thượng Quảng… cho thấy, trong ngôi nhà tạm bợ của các hộ dân, ngoài kết cấu lợp tôn, thì vật liệu không thể thiếu là gỗ. Tại nhiều nhà dân, ván được xẻ dựng quanh nhà, ngay dưới nền đất, các tấm phản gỗ làm sàn cũng được xẻ phách đưa về tập kết nhiều năm trước. Dấu vết gỗ rừng khai thác về đã cũ. Thực tế, nhiều hộ dân cho biết, họ tận dụng gỗ từ rừng cộng đồng, “làm vốn” để khi nhận tiền hỗ trợ xóa nhà tạm thì có vật liệu làm nhà.
Ông Hoàng Quốc Vũ, phụ trách bộ phận Thanh tra - Pháp chế Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho rằng, các trường hợp thiếu vật liệu xóa nhà tạm, khai thác gỗ từ rừng cộng đồng để làm nhà diễn ra ở địa phương khá nhiều. Tuy nhiên, quy mô khai thác nhỏ lẻ, phục vụ xây dựng trong gia đình. Những địa phương có nhu cầu xóa nhà tạm, đối tượng chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng cộng động vô hình trung gây “xung đột” với rừng và áp lực đối với lực lượng kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng tại địa phương.
Theo ông Vũ, để xóa nhà tạm, mỗi hộ dân chỉ được hỗ trợ từ 20-40 triệu đồng, không thể làm nhà hoàn chỉnh. Để có nhà ở, việc các hộ dân lên rừng khai thác gỗ trong khi, theo Thông tư 27 năm 2018 của Bộ NN&PTNT, việc khai thác gỗ từ rừng tự nhiên hiện nay là nghiêm cấm. Và, thực tế hiện nay xử phạt các đối tượng là hộ nghèo thuộc diện xóa nhà tạm tại địa phương không phải dễ dàng bởi đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, dẫn đến gây áp lực cho kiểm lâm địa phương và cơ quan chủ quản bảo vệ rừng.
Tuyên truyền vận động là chính
Nhà ông H.X.V (thôn Dỗi, xã Thượng Lộ) được làm chủ yếu từ gỗ rừng
Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đông nhận định, để giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép, trong đó có khai thác rừng để dùng vật liệu gỗ xóa nhà tạm hiện nay, Hạt Kiểm lâm Nam Đông đang thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng.
Theo đó, đơn vị tiến hành tham mưu UBND huyện Nam Đông yêu cầu các địa phương ký kết quy chế phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng; nâng cao ý thức trong việc tuyên truyền vận động người dân không tham gia khai thác gỗ trái phép; lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép; tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tăng cường chốt chặn ở các “điểm nóng”, điểm cửa rừng không cho người và các phương tiện vào rừng khai thác gỗ.
Ngoài ra, đối với các cộng đồng bảo vệ được Nhà nước giao rừng cũng thường xuyên phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Trong trường hợp phát hiện vi phạm phải báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm để phối hợp ngăn chặn, xử lý.
Theo ông Chúc, vấn đề cốt lõi hiện nay để giảm thiểu và xử lý dứt điểm tình trạng khai thác rừng trái phép đối với các hộ dân có nhu cầu về dùng gỗ làm vật liệu để xóa nhà tạm, giảm xung đột với rừng, thì các cơ quan cấp trên cần tăng định mức hỗ trợ thêm kinh phí cho các hộ dân để xóa nhà tạm và tìm các vật liệu thay thế gỗ trong xây dựng.
Ông Lê Sỹ Đội, Cán bộ Địa Chính- Môi trường xã Thượng Lộ cho rằng, ngoài giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong quản lý bảo vệ rừng, đề nghị tăng định mức kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, địa phương cũng đang vận động, kết nối và lồng ghép nhiều chương trình, nguồn vốn hỗ trợ khác nhau nhằm giúp người dân đủ kinh phí khi được hỗ trợ xóa nhà tạm và giảm “xung đột” với rừng.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, năm 2017, trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ chặt, lấn chiếm rừng tự nhiên với diện tích hơn 1ha rừng, cơ quan kiểm lâm đã xử lý vi phạm hành chính 130 triệu đồng. Năm 2018 xảy ra 38 vụ khai thác gỗ rừng trái phép, tịch thu tang vật và năm 2019 cơ quan kiểm lâm cũng tiến hành bắt 2 vụ khai thác rừng trái phép với 0,6m3 gỗ, xử phạt hành chính 6 triệu đồng. |
Bài, ảnh: Khánh - Nhân