Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, qua 5 năm triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xin đồng chí cho biết Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng nào để hôm nay "đích đến" thành phố trực thuộc Trung ương đã thành hiện thực?
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân phấn đấu, nỗ lực, khắc phục khó khăn và đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nền tảng vững chắc để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng, các ngành, lĩnh vực phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Giai đoạn 2021 - 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 7,1%/năm, dự ước năm 2024 đạt 8,5- 9,0%. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 2.850 - 2.900 USD. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%. Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Thu ngân sách năm 2024 ước đạt khoảng 13.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt. Các đề án quan trọng phục vụ mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành.
|
|
Kết cấu hạ tầng được tập trung xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình, dự án có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được triển khai: Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 1A; cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; dự án đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2; nhà ga T2 Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài được đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả; hoàn thành dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế giai đoạn 1. Hệ thống giao thông đô thị được chỉnh trang, cải tạo, nhất là các tuyến đường dọc theo bờ sông Hương. Khu đô thị mới An Vân Dương phát triển mạnh mẽ, hiện đại.
|
|
Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có thương hiệu đã hoạt động, nghiên cứu đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, như: VinGroup, Banyan Tree, BRG, AEON Nhật Bản… Đáng chú ý, một số dự án tạo năng lực mới đã đi vào hoạt động, như: Dự án Kim Long Motors Huế (giai đoạn 1) công suất 3.500 chiếc/năm; Nhà máy Kanglongda (giai đoạn 1), Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên, nhà máy Scavi Huế 02, Trung tâm Thương mại AEON Mall Huế chính thức mở cửa đón khách; khai trương Sân Golf Golden Sands Golf Resort tại huyện Phú Vang… Kinh tế biển và đầm phá cũng đang trở thành động lực phát triển của tỉnh, tạo diện mạo mới cho toàn vùng, góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di sản được đẩy mạnh. Bản sắc văn hóa Huế, con người Huế được chú trọng giữ gìn, phát huy. Các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được ưu tiên trùng tu, tôn tạo. Nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện, lễ hội văn hoá, các hoạt động trong khuôn khổ Đề án Festival Bốn mùa được tổ chức thành công, góp phần thu hút khách du lịch, nâng cao vị thế văn hóa Huế, hình ảnh Huế. Đến nay, Huế đã có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận và sở hữu nhiều danh hiệu, thương hiệu giá trị: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”, "Thành phố Du lịch Sạch ASEAN", "Thành phố thông minh". Huế ngày càng “Xanh - Sạch - Sáng” với nhiều phong trào, cuộc vận động được lan toả sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, được Nhân dân hưởng ứng, đồng thuận.
|
|
Các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn được nâng lên. Giáo dục mũi nhọn của Huế đạt được những thành tích nổi bật trên đấu trường quốc gia, quốc tế. Đại học Huế khẳng định vai trò và vị thế của một đại học trọng điểm, mang tầm vóc của một cơ sở giáo dục đại học quốc gia, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung và cả nước. Y tế phát triển mạnh mẽ với trụ cột, hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế và ngành y tế của tỉnh... đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân khu vực miền Trung và cả nước, đóng góp tích cực vào những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực y học của nước nhà. Đã tập trung phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, thông minh. Toàn tỉnh có 75/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 80%, có 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác giảm nghèo được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2024 giảm còn 1,41%. A Lưới đã chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm, chú trọng. Tổ chức bộ máy cả hệ thống chính trị các cấp ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đảng bộ tỉnh luôn đoàn kết, trong sạch vững mạnh, năng lực lãnh đạo ngày càng được củng cố, nâng cao.
Có những thuận lợi, nhưng trên bước đường hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, Thừa Thiên Huế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh chúng ta đã vượt qua những thách thức ấy như thế nào, đồng chí có thể chia sẻ điều này?
Triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai thực hiện nghị quyết.
Việc phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách cũng còn hạn chế. Việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị các cấp cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm.
Nhiều công trình, thiết chế văn hóa đã được đầu tư nhưng qua thời gian sử dụng đã xuống cấp; các công trình, thiết chế văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc… có quy mô lớn, mang tính biểu tượng của địa phương, của văn hóa Huế còn thiếu. Vì vậy, rất cần nguồn lực lớn để đầu tư cho văn hóa, nhất là xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; trùng tu, phục hồi các giá trị di sản…
Quá trình xây dựng, phát triển, tỉnh luôn đặt nhiệm vụ bảo tồn các giá trị di tích, di sản của quốc gia và thế giới lên hàng đầu. Vì vậy, trong quá trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tỉnh đã ưu tiên lựa chọn các tiêu chí cao về môi trường nên đã trở thành "rào cản" làm hạn chế trong thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng một số tiêu chí của đô thị trực thuộc Trung ương.
Trước những khó khăn này, Thừa Thiên Huế đã thực hiện và vận dụng đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm phát huy cao nhất tiềm năng và nguồn lực của tỉnh và của Trung ương cho đầu tư phát triển. Quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Thừa Thiên Huế đã bám sát chủ trương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương.
Đã chủ động vượt qua khó khăn của dịch bệnh, đổi mới, đa đạng hóa các hình thức tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư, cải tiến đổi mới công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Huy động và sử dụng hiệu quả tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thành lập 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công.
Triển khai nhiều giải pháp xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao thái độ phục vụ, trách nhiệm và năng lực của cán bộ, công chức.
Tỉnh cũng đã chú trọng thực hiện quy hoạch đô thị bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế với phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, tỉnh đã bám sát, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Đã tham mưu trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 38 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế mang tính đột phá; trong đó, với 6 nhóm chính sách về Quỹ Bảo tồn di sản Huế; phí tham quan di tích; nâng mức dư nợ vay; để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu; thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công; phân bổ chi thường xuyên đã tạo điều kiện quan trọng giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 1210, Nghị quyết 1211, trong đó có nội dung liên quan đến yếu tố đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa, đặc sắc về di sản, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng, hoàn thiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương với các tiêu chí đáp ứng đầy đủ.
|
|
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vị thế của Huế cũng ở tầm cao hơn. Vậy xin đồng chí có thể cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ của Huế trong giai đoạn tiếp theo sẽ như thế nào?
Mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh, không chỉ là của riêng Thành phố Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, Thành phố Huế là đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao.
Trong thời gian đến, sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển Thành phố Huế trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hoà giữa di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và con người Huế.
Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phù hợp với các quy hoạch. Đầu tư hạ tầng Thành phố Huế đạt chuẩn đô thị loại I; tiếp tục đầu tư nâng chuẩn đô thị các quận: Phú Xuân, Thuận Hóa, các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền, đô thị Chân Mây.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Kế thừa và phát triển những thành tựu đã đạt được. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương; phát triển thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản; giữa hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của địa phương.
|
|
Đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và những ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng; sự năng động, thông minh, sáng tạo và tự lực, tự cường của người dân Huế.
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là kết quả của cả quá trình nỗ lực phấn đấu, đồng chí có thể đúc kết những bài học, những kinh nghiệm rút ra để có thể áp dụng cho những công việc sắp đến?
Thứ nhất, chăm lo củng cố, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Thật sự phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Coi trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Kiên quyết thay thế những cán bộ kém năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ; xử lý nghiêm những trường hợp mắc sai lầm, khuyết điểm.
Thứ hai, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao; chú trọng tạo đột phá để phát triển; nhạy bén, cương quyết, sáng tạo, chủ động bám sát tình hình thực tiễn để kịp thời giải quyết các vướng mắc, đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để thực hiện quyết liệt, đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ tư, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và sát với tình hình thực tiễn để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Coi khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng, là động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương về cơ chế, chính sách đặc thù; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và hợp tác của các tỉnh, thành phố, bạn bè quốc tế trong quá trình xây dựng, phát triển Huế.
Thứ năm, coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kịp thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất để giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất Trung ương nghiên cứu, xem xét những nội dung vượt thẩm quyền.
Trong niềm phấn khởi và rất tự hào hôm nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có nhắn gửi gì đến toàn thể Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Huế - Thành phố trực thuộc Trung ương?
Có thể nói, qua những chặng đường, Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực để bắt kịp nhịp độ phát triển của cả nước. Mục tiêu, khát vọng, mong muốn trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương đã thành hiện thực, đây là kết quả xứng đáng của một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, toàn dân, của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ.
Việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân. Đây là niềm tự hào rất lớn đối với toàn thể Nhân dân Huế, tạo động lực, khí thế mới, niềm tin mới để Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc; phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới; là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Thành phố Huế phát triển, mà còn đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước.
|
|
Vai trò, nhiệm vụ sắp đến của một thành phố trực thuộc Trung ương sẽ rất nặng nề, song đầy vinh quang và tự hào. Vì vậy, tôi mong rằng toàn hệ thống chính trị, mỗi một cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân Huế cùng chung sức, đồng lòng, phát huy trí tuệ, năng lực, quyết tâm cao nhất thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong mọi công việc, tạo sức bật mạnh mẽ để xây dựng Huế trở thành một thành phố phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, hạnh phúc, mang đậm bản sắc văn hóa Huế và con người Huế.
Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
Nội dung: Đức Quang
Ảnh: Đức Quang - CTV
Thiết kế: Tú Anh