Chuyển đổi
Có nhiều diện tích ruộng trũng trồng lúa một vụ không ăn chắc nên đời sống của người dân Quảng Công gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, kinh tế của Quảng Công có bước chuyển dịch, thu nhập trên một đơn vị diện tích đất tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng cát Quảng Lợi
Ông Nguyễn Đính, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công thông tin, ruộng lúa thường xuyên thiếu nước, nhiễm mặn vào mùa khô khiến nhiều diện tích lúa của xã Quảng Công chỉ gieo trồng được 1 vụ, hiệu quả kinh tế không cao, năng suất lúa trung bình của xã chỉ đạt 30-40 tạ/ha. Trước thực tế đó, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chỉ đạo chuyển dịch diện tích ruộng trũng, ruộng nhiễm phèn nhiễm mặn trồng lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đây được xem là hướng đi mới tạo hướng đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những năm qua, Quảng Công đã thực hiện chuyển đổi gần 35 ha lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản và trồng rau sạch với giá trị thu nhập trung bình cao gấp 2, thậm chí gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhiều hộ đầu tư cải tạo đất bằng cách hút bùn đáy, xây dựng bờ ao, tu sửa cống cấp thoát nước, phủ bạt quanh sườn ao ngăn sạt lở bờ, đầu tư hệ thống cấp nước để đảm bảo cho quá trình nuôi trồng. Theo tính toán, 1ha diện tích trồng lúa trong 6 tháng chỉ thu được từ 10 triệu đến 13 triệu đồng lợi nhuận, khi nuôi trồng thủy sản con số này đạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, có hộ thu lời cả 100 triệu đồng/ha nuôi trồng.
Ngoài định hướng của xã, huyện, người dân cũng chủ động hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Anh Văn Sanh, thôn Hà Công, xã Quảng Lợi có 5 sào lúa dọc phá bị nhiễm phèn, nhiễm mặn có năm phải bỏ hoang. Sau thời gian tìm hiểu thị trường, anh quyết định chuyển 5 sào đất lúa sang trồng cà chua hữu cơ, mỗi vụ cho thu nhập trên 30 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hết vụ cà chua, anh lại bắt tay trồng những loại rau, đậu khác theo hướng hữu cơ; sản phẩm được các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thu mua tận ruộng. Với thành công ban đầu, anh Sanh dự định sẽ đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động, lắp đặt hệ thống nhà lưới đảm bảo chất lượng rau quả trong quá trình sản xuất.
Với những chuyển dịch trong cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Điền đang dần hình thành vùng sản xuất mang lại hiệu quả cao như: vùng rau an toàn Quảng Thành cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm; rau má Quảng Thọ thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm; khoai lang, dưa hấu, môn tím ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Ngạn thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm… Nhiều hợp tác xã mạnh dạn xây dựng vùng lúa chất lượng có giá trị kinh tế cao, thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp nên đầu ra khá ổn định.
Phát triển chiều sâu
Theo ông Phan Cảnh Dư, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Điền, để nền nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, khai thác được tối đa tiềm năng, thế mạnh, Quảng Điền đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, huyện tập trung cao vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường.
Với mục tiêu hướng nền sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, Huyện ủy đã chỉ đạo duy trì và mở rộng các vùng sản xuất tập trung hiện có. Trong năm 2017, mở rộng vùng sản xuất lúa tập trung, phát triển diện tích cánh đồng lớn lên 254 ha, tăng 149 ha so với năm 2016; xây dựng mô hình tưới tự động ở vùng rau an toàn xã Quảng Thành, Quảng Thọ; trồng rau trong nhà lưới, nhân rộng các giống lúa chất lượng… Huyện cũng đầu tư và quy hoạch hạ tầng thiết yếu một số khu vực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao mức độ thâm canh ở Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Công, thị trấn Sịa; xúc tiến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm lúa Bắc Thơm 7, khoai lang tím Quảng Công…
Cũng theo ông Phan Cảnh Dư, để nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, Huyện ủy sẽ tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển nông nghiệp dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Theo đó, mỗi hợp tác xã sẽ hình thành ít nhất một cánh đồng lớn theo hướng liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài nhân rộng các mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, huyện sẽ tập trung phát triển thị trường. Trên cơ sở tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, vật tư đầu vào, khuyến khích người dân tiến hành đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tiến tới xây dựng sản phẩm địa phương, hỗ trợ người dân giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thị trường.
Bài, ảnh: Hoàng Loan