Cứ vào tháng 2 hàng năm, người dân các địa phương lại bắt đầu một vụ sen mới
Thu nhập gấp 5-7 lần trồng lúa
Cây sen đang là sản phẩm được huyện Phong Điền quan tâm để xây dựng thành sản phẩm chủ lực. Việc phát triển và xây dựng thương hiệu sen được các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng.
Hiện nay, diện tích trồng sen trên địa bàn huyện Phong Điền hơn 346ha, tập trung ở các xã Phong Hiền, Phong An, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Chương, thị trấn Phong Điền...Các giống sen được trồng chủ yếu là sen cao sản, sen trắng, sen đỏ và sen hồng. Trung bình 1ha sen cho thu nhập gần 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa.
Ông Hoàng Đô, một trong những người tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trồng sen ở thôn Sơn Tùng (Phong Hiền) cho biết, cây sen rất dễ trồng, nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước, bởi đây là loại cây khá nhạy cảm với điều kiện khí hậu. Giống sen đưa vào trồng trên địa bàn lâu nay chủ yếu là sen truyền thống của Huế (sen trắng Tịnh Tâm) và sen hồng cao sản. Trung bình 1 sào cho thu hoạch khoảng 1,5 tạ hạt sen tươi, với giá hạt sen tươi chưa bóc vỏ dao động ở mức từ 25.000 - 30.000 đồng/1kg, sau khi trừ các khoản chi phí, với hơn 1ha sen, gia đình ông Đô có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Với 4,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình ông Hồ Văn Thăng, thôn Phò Ninh (Phong An) chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá từ năm 2006 đến nay. Hàng năm, thu nhập của gia đình ông Thăng bình quân trên 200 triệu đồng từ mô hình này.
“Phong An hiện có 22 hộ gia đình trồng sen kết hợp nuôi cá với diện tích 41ha. Bước đầu thành công của mô hình trồng sen kết hợp cá, tạo tín hiệu tích cực cho bà con nông dân trên địa bàn xã khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
UBND xã Phong An đang tiếp tục khuyến khích bà con nông dân tận dụng ao, hồ, bàu và những diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá", ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An thông tin.
Mở rộng diện tích
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: Những năm gần đây, mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở huyện Phong Điền phát triển mạnh, không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp cải thiện môi trường, mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng đa canh.
UBND huyện Phong Điền khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen; phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội đối với các sản phẩm từ cây sen; hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các địa phương vùng trồng có diện tích đủ lớn.
Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện xây dựng đề án phát triển cây sen trên địa bàn và định hướng đến năm 2025. Trong đó, giải quyết vấn đề trước mắt như: tổ chức lại sản xuất, thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã... để liên kết lại; quy hoạch lại vùng trồng sen; hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định, giúp các nhóm hộ, tổ hợp tác yên tâm sản xuất lâu dài.
Với ngân sách thực hiện khoảng 1,5 tỷ đồng, trước mắt, UBND huyện triển khai rà soát diện tích lúa vùng thấp trũng hiệu quả thấp và một số diện tích khác (các trằm, bàu, ao, hồ...), vận động người dân chuyển đổi trồng sen kết hợp với nuôi cá để tăng thu nhập; xây dựng quy trình nhân giống sen quý hiếm đặc trưng của Huế, giống sen chất lượng cao. Đồng thời, tiến tới thành lập trung tâm sản xuất giống sen tại huyện Phong Điền, phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn và cung ứng ở các thị trường khác.
Bài, ảnh: Hải Huế