ClockThứ Tư, 09/09/2020 14:20

“Rau nhà kính” ở Nam Đông

TTH - Theo giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND huyện, chúng tôi tìm về thôn K4 (Ka Tư), xã Hương Phú (Nam Đông). Anh Trương Minh Hào, Trưởng thôn và cũng là chủ vườn đón chúng tôi ngay cổng nhà kính của gia đình.

Sơn Thủy hướng đến vùng sản xuất rau sạchTriển vọng rau sạch ở Nam Đông

Anh Trương Minh Hào chăm sóc cây trong nhà kính

Khu nhà kính có diện tích 500m2 của gia đình anh Hào hiện đang cung cấp rau cho một quầy rau sạch ở chợ Khe Tre. Thu nhập đủ nuôi sống gia đình với 5 nhân khẩu gồm vợ chồng anh và ba đứa trẻ.

Anh Hào tâm sự, vợ chồng anh từng tha phương, mong làm giàu nơi xứ người, cùng chọn Đà Lạt, vùng đất có khí hậu tuyệt vời để lập nghiệp.

“Chúng tôi gặp nhau và thành vợ chồng cũng ở vùng đất ấy, nhưng gần 10 năm ở Đà Lạt, cả hai chợt nhận ra sao không trở lại quê hương để làm giàu? Ở đất người cố lắm vẫn chỉ làm công vì không thể mua đất hay thuê đất, trong khi đất đai tại quê nhà rộng mênh mông...”. Vậy là về quê, cả hai vợ chồng mang số vốn tích góp được mua đất và ngôi nhà kính đầu tiên của Nam Đông ra đời. Vốn ít, hai vợ chồng bắt đầu từ 250m2 nhà kính khung tre, vật liệu rẻ tiền nhất của loại hình nhà kính. Với kinh nghiệm học hỏi được ở Đà Lạt, hai vợ chồng tự tay làm từ công đoạn đầu tiên đến tiêu thụ sản phẩm.

Kể lại những ngày đầu, anh Hào không khỏi mỉm cười nhắc lại sự tò mò của người dân trong xóm khi thấy anh trồng rau sạch trong nhà kính, trong tò mò có cả sự lo lắng cho anh chị khi giá thành sản phẩm từ nhà kính cao gần gấp đôi sản phẩm địa phương, liệu anh chị có bán được rau quả canh tác bằng công nghệ mới? Để sản phẩm được xác định giá trị, anh chị thuê lô mở quầy rau sạch bán trực tiếp tại chợ Khe Tre. Mới đầu anh cũng rất ái ngại, lo sự hiểu biết về rau sạch của người tiêu dùng ở Nam Đông không nhiều, liệu người tiêu dùng có phân biệt giá trị của rau trồng nhà kính, phương pháp thuỷ canh, an toàn và rau canh tác theo lối truyền thống?

Thực tế cho thấy, người dân Nam Đông biết rất nhiều, quầy rau sạch của anh chị không hề lạc lõng, ngược lại càng ngày càng có khách, nguồn khách cũng tăng theo hướng ổn định, thậm chí nhu cầu rau sạch vượt khả năng cung cấp của gia đình.

Hai vợ chồng còn mang giống hoa cúc về trồng, diện tích hoa ban đầu khiêm tốn với hai sào đất, hoa vừa đủ bán ở chợ cho trong các dịp rằm, mùng một... Thực tế cũng cho thấy vẫn là hoa cúc Huế nhưng với cách trồng mới trên đất Hương Phú đã cho ra thành phẩm đẹp và tốt tươi hơn bình thường rất nhiều, nhờ vậy giá hoa cũng như giá rau đều rất tốt khi ra thị trường. Để phục vụ hoa dịp tết hay rằm lớn, anh chị đã mạnh dạn thuê đất, thuê người để tăng diện tích hoa, bảo đảm nhu cầu người tiêu dùng Nam Đông trong các dịp “rằm to vía lớn” và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

Với hai vợ chồng anh Hào, việc mở rộng quy mô sẽ gắn với nhu cầu vốn… May mắn là mô hình nhà kính của anh được lãnh đạo địa phương quan tâm, từ theo dõi các thử nghiệm của vợ chồng anh đến khuyến khích và hỗ trợ rất nhiệt tình. Năm 2016, khi tỉnh có chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp (QĐ 32/UBND tỉnh), anh được cán bộ phòng nông nghiệp huyện vận động tham gia dự án về “Trồng rau trong nhà kính công nghệ cao” và trở thành mô hình đầu tiên của huyện về sản xuất rau sạch trong nhà kính.

Được các anh của Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ xây dựng đề án nhà kính là một việc làm mà vợ chồng nông dân chính hiệu như anh không nghĩ đến khiến anh chị khá lúng túng. Mô hình trong dự án với kinh phí ban đầu là 350 triệu đồng, được hỗ trợ 180 triệu có diện tích 500m2. Được hỗ trợ, anh chị không hề ỷ lại mà “lấy ngắn nuôi dài” liên tục nâng cấp cơ sở vật chất của khu nhà, đồng thời mở rộng diện tích trồng thêm hoa màu khác.

Đến nay, quy mô nhà kính của gia đình anh đã có kinh phí đầu tư trên 600 triệu đồng, Trong diện tích sản xuất của gia đình anh Hào ngoài nhà kính trồng rau, còn có vườn ổi, cam, atiso, dưa lưới, đặc biệt là hoa cúc… Mùa nào thức ấy, đủ cung cấp rau trái sạch cho gian hàng và nhận những đơn hàng đặc biệt về rau sạch, quả sạch nhất là trà atiso, mứt hoa atiso.

Cùng anh Hào đi vào khu vườn ổi đang mùa sai trái mới thấy giá trị của sự chăm sóc theo công nghệ khi từ gốc đến ngọn cây chi chít quả. Những quả ổi được chủ vườn cẩn thận bao bọc để tránh ve, ruồi cắn đến thì thu hoạch xanh trắng... Đó là nhờ đặc thù thổ nhưỡng cộng với sự chăm sóc bằng tất cả sự trân quý đất đai quê nhà của người trồng.

Bài, ảnh: PHẠM PHƯỚC CHÂU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống

Ngày 15/11, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã đến dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cùng người dân thôn Bha Bhar (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống
Return to top