Vườn rau của 2 hộ nông dân tại thôn Quảng Vinh và Quảng Ngạn, xã Sơn Thủy được chọn thí điểm mô hình trồng rau trong nhà lưới, với tổng kinh phí đầu tư hơn 100 triệu đồng, trên diện tích 700m2. Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, các nhà lưới đã sản xuất một lượng rau sạch tương đối lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Rau được trồng từ mô hình này hoàn toàn không sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu, thay vào đó rau được bón phân hữu cơ vi sinh đúng tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Thảo, hộ được hỗ trợ thí điểm mô hình sản xuất rau sạch ở thôn Quảng Vinh, cho biết: Trồng rau trong nhà lưới có thể thu hoạch được quanh năm, cả vào mùa mưa, vì thông thường mùa mưa rau rất khó trồng, nếu không có lưới rau dễ bị dập nát hoặc bị thối. Nhờ mô hình này, người trồng có thu nhập thường xuyên. Trồng rau trong nhà lưới hơi nước từ đất thất thoát ít, nên lượng phân bón cũng ít mất đi và sâu bệnh gây hại rau cũng khó có điều kiện phát triển.
Theo ông Nguyễn Thảo, mỗi luống rau 10m2 cho sản lượng 40-45kg/lứa, thu nhập gần 1 triệu đồng; một lứa kéo dài từ 30-40 ngày. Giá rau sạch cũng cao hơn, từ 15 – 20 ngàn đồng/kg, nên cho thu nhập từng hộ sản xuất bình quân hơn 200 ngàn đồng mỗi ngày, có ngày lên đến 300 ngàn đồng, tăng gấp đôi so với cách trồng rau truyền thống.
Nhà lưới được thiết kế hệ thống tưới nước bán tự động bằng vòi phun quay, nhờ vậy rau được tưới đều khắp và đúng quy trình kỹ thuật cho từng công đoạn phát triển. Từ khi rau mọc mầm, hơi nước bốc lên ít hơn, độ ẩm của đất cao hơn nên thời gian rau sinh trưởng nhanh hơn. Hệ thống tưới đã giúp tiết kiệm thời gian chăm sóc, nhất là không phải mất nhiều công sức để tưới nước cho rau. Trước đây rau xà lách phải mất thời gian khoảng 1 tháng mới thu hoạch, nay với mô hình trồng rau trong nhà lưới chỉ cần 20 ngày đã cho thu hoạch.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông – lâm – ngư huyện A Lưới Nguyễn Đức Phú cho biết: Nhà lưới trồng rau sạch phù hợp khí hậu nóng ẩm, đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắc khe của quy trình trồng rau sạch như ánh sáng, ngăn côn trùng, mái mở cố định 1 bên nên tăng được hiệu quả làm mát vào mùa hè, kiểm soát tốt sự ngưng tụ của hơi nước. Thiết kế này có khả năng kết nối liên hoàn với các dạng nhà kính khác, tạo thành một hệ thống liên hoàn với mọi qui mô, diện tích trồng trọt rộng lớn.
Qua đánh giá kết quả thực hiện mô hình cho thấy, trồng rau trong nhà lưới ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm được tối đa lượng thuốc trừ sâu sử dụng, sản phẩm rau an toàn hơn (trên cùng một diện tích nhưng sản lượng rau có thể tăng từ 3-5%). Ưu điểm nổi bật của mô hình này là có thể tăng được số vòng quay thời vụ cho rau ăn lá, từ 5 lứa/năm lên 10 lứa/năm, năng suất tăng từ 15 tấn lên gần 30 tấn/1.000m2 và có thể trồng rau quanh năm, ngay cả vào mùa mưa vì đã có lưới che chắn làm giảm thiểu dập nát rau do mưa lớn. Mô hình trồng rau trong nhà lưới hiện đang được các hộ dân hưởng ứng nhiệt tình và mong muốn được tham gia, góp phần thay đổi tư duy, tập quán, cách nghĩ, cách làm của nông dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy Lê Anh Chiến, để đảm bảo việc phát triển bền vững, hướng đến hình thành vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn, địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tại 3 thôn Quảng Vinh, Quảng Ngạn và Quảng Lợi với quy mô mỗi hộ gia đình 2-3 sào. Hiện tại, xã đang phối hợp với Trạm Khuyến nông – lâm – ngư huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, giống mới và phương pháp bảo quản sau thu hoạch rau an toàn cho bà con phát triển sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của huyện, tạo mối liên kết chặt chẽ với nông dân, hộ sản xuất và vùng nguyên liệu nhằm xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; xây dựng đầu mối tiêu thụ nông sản rau, củ, quả tại trung tâm thị trấn A Lưới và tổ chức hệ thống tiêu thụ, cung ứng rau an toàn trên địa bàn.
Bá Trí